Thị trường điện phát điện cạnh tranh đã góp phần làm tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động sản lượng các nhà máy điện, góp phần tối ưu hóa toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng cho các nhà đầu tư.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, Công ty đã chủ động được kế hoạch sản xuất, đáp ứng tốt yêu cầu huy động sản lượng điện. Phương thức vận hành các tổ máy được xây dựng ngày càng chuẩn xác, từ đó xác định được cụ thể thời điểm vận hành từng tổ máy phù hợp với chu kỳ, mùa khô hay mùa mưa.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng – một trong các đơn vị tham gia hiệu quả thị trường phát điện cạnh tranh
|
“Trong mùa khô, Công ty luôn đặt ra yêu cầu, vừa phát điện sản lượng cao, mang lại hiệu quả lớn, vừa chủ động kế hoạch sửa chữa các tổ máy. Trong mùa mưa, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cần bố trí lịch sửa chữa hợp lý các tổ máy, đảm bảo cho mùa khô, các tổ máy vận hành hiệu quả nhất”, ông Thanh chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành đã giúp doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong tính toán, lập kế hoạch vận hành, lập lịch huy động cũng như bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy.
Tuy nhiên, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi, giá thị trường trong ngày luôn thay đổi theo từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm sản lượng nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố.
Đối với các nhà máy thủy điện, việc phải chào giá đồng thời với việc đáp ứng các yêu cầu về xả nước trong mùa lũ cũng như yêu cầu nước sinh hoạt hạ du mùa khô gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu,…
Những vấn đề này đang được các cơ quan quản lý, EVN và các đơn vị tìm cách sớm tháo gỡ, nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện cũng như tính hiệu quả, khả thi của các đơn vị tham gia thị trường điện.
Mặc dù số lượng các nhà máy điện cũng như công suất phát điện tham gia trực tiếp vào thị trường điện ngày càng tăng, từ 31 lên 87 nhà máy, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, tất cả mới chỉ chiếm 49% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường điện. Tiếp theo thí điểm với nhà máy năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...
Từ những thành công và kinh nghiệm đúc rút được trong 6 năm phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị liên quan đang gấp rút để chính thức triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019.
Cơ cấu công suất đặt theo loại hình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh:
Loại hình
|
Số lượng nhà máy
|
Công suất (MW)
|
Tỷ lệ (%)
|
Nhà máy tham gia trực tiếp
|
87
|
22.851,5
|
49
|
Nhà máy tham gia gián tiếp
|
28
|
9049,9
|
19
|
Nhà máy tạm thời gián tiếp
|
12
|
3.169,5
|
7
|
Nhà máy đa mục tiêu và phối hợp vận hành
|
14
|
8661
|
19
|
Các loại hình khác
|
|
2749
|
6
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
Share