Theo Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia), đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân phục vụ truyền tải công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong (trong đó có BOT Vân Phong 1), Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Dự án còn tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam; tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Quy mô dự án là xây mới đường dây 500kV mạch kép, dài khoảng 172,5 km, điểm đầu là thanh cái 500kV sân phân phối (SPP) 500kV Nhiệt điện Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và điểm cuối là thanh cái 500kV TBA 500kV Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận).
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giải pháp tháo gỡ mặt bằng các dự án truyền tải tại tỉnh Khánh Hòa, trong đó có đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, tháng 10/2020 |
Tuyến đường dây đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tại Khánh Hòa, tuyến đường dây qua các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và TP Cam Ranh. UBND Khánh Hòa đã thoả thuận hướng tuyến tại văn bản số 6456/UBND-KT ngày 8/11/2013 và thỏa thuận lại tại văn bản số 5706/UBND-KT ngày 11/6/2020.
Tại tỉnh Ninh Thuận, tuyến đường dây qua các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam. Hướng tuyến đã được UBND tỉnh Ninh Thuận thoả thuận tại văn bản số 5053/UBND-KTN ngày 24/10/2013 và thỏa thuận lại tại Văn bản số 4934/UBND-KTTH ngày 05/12/2019.
Tại tỉnh Bình Thuận, tuyến đường dây đi qua huyện Tuy Phong. Hướng tuyến đã được UBND tỉnh Bình Thuận thoả thuận tại văn bản số 383/UBND-KTN ngày 8/02/2014 và thỏa thuận lại tại Văn bản số 1091/UBND-KT ngày 25/03/2020.
Vừa qua, CPMB kiến nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) sớm tổ chức thẩm định, thông qua hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở để EVNNPT/CPMC gấp rút triển khai các bước tiếp theo của Dự án, hoàn thành đóng điện đúng thời hạn yêu cầu.
Ngày 14/12, chỉ đạo tại cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và Dự án Trạm biến áp 500/220kV Vân Phong là các dự án đặc biệt quan trọng, nằm trong cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài (dự án nhà máy điện BOT Vân Phong 1). Nếu không hoàn thành cam kết, Việt Nam sẽ phải đền bù rất lớn cho nhà đầu tư, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ đạo: Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không được vi phạm cam kết trong Hợp đồng BOT và PPA, dẫn đến phải đền bù phí công suất cho Nhà đầu tư nước ngoài. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các công việc của các dự án, không được để bị chậm tiến độ thêm. Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hoàn thành thẩm định Thiết kế kỹ thuật, Dự toán xây dựng công trình. Chủ đầu tư của Dự án (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) chịu trách nhiệm toàn diện để triển khai các Dự án đúng tiến độ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Chính phủ trong công tác chỉ đạo chủ đầu tư.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị EVN và EVNNPT coi việc hoàn thành Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và Dự án Trạm biến áp 500/220kV Vân Phong đúng tiến độ là nhiệm vụ chính trị; coi đây là công trình trọng điểm cấp cao nhất. Chủ đầu tư cần khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo của các dự án, tổ chức đấu thầu (xây dựng và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng...) để sớm khởi công, thi công trong thực tế. EVN sớm phê duyệt các thủ tục thuộc thầm quyền của Tập đoàn đối với các dự án.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đưa công trình Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và Trạm biến áp 500/220kV Vân Phong vào danh sách công trình theo dõi đặc biệt để Ban Chỉ đạo đôn đốc, hàng tháng báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo về tiến độ công trình và các khó khăn, vướng mắc.
Lê Việt
Share