PV: Theo dự báo, năm 2017 thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vậy hệ thống điện của EVN có thể bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Năm 2017, số lượng bão có thể sẽ gia tăng, xảy ra mưa lớn cục bộ ở nhiều nơi, tuy nhiên lượng nước có khả năng thiếu hụt, nhất là vào cuối mùa mưa.
Vì vậy, hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối khả năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại các địa bàn xung yếu, đặc biệt là đối với các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới đưa vào vận hành. Công tác đảm bảo an toàn đập, công trình, hồ chứa và vùng hạ du cũng rất cần được quan tâm trong mùa mưa lũ. Hơn nữa, phải kết hợp hài hòa giữa nâng cao hiệu quả phát điện trong mùa lũ và tích nước các hồ chứa, nhất là vào cuối mùa mưa, đảm bảo cấp nước và phát điện an toàn vào mùa khô năm 2018.
PV: Để chủ động giảm thiểu thiệt hại, năm 2017, Tập đoàn có những yêu cầu cụ thể gì đối với các Tổng công ty Điện lực trong công tác PCTT&TKCN?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương EVN và các đơn vị trong công tác PCTT&TKCN. Tuy nhiên, không vì thế mà EVN và các đơn vị được phép chủ quan. Năm 2017, Tập đoàn yêu cầu các Tổng công ty Điện lực tiến hành tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị điện cũng như hệ thống truyền tải điện gồm móng và cột điện, đường dây và trạm biếp áp, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão.
Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn lực, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị khi xảy ra bão lũ, ngập úng, đảm bảo an toàn, khôi phục cấp điện trở lại một cách sớm nhất (trong đó ưu tiên cơ quan chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các cơ sở y tế, nước sạch, viễn thông, phát thanh – truyền hình và các trạm bơm chống úng). Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận và chia sẻ trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão.
PV: Được biết, công tác quản lý, vận hành và phòng chống thiên tai của một số NMTĐ nhỏ vẫn còn hạn chế. Ông cho biết năm 2017, Tập đoàn có chỉ đạo gì để rút kinh nghiệm?
Ông Đỗ Mộng Hùng: Đúng là công tác quản lý vận hành của một số NMTĐ nhỏ còn những hạn chế nhất định, điển hình như tại Thủy điện Hố Hô trong năm 2016. Năm 2017, EVN sẽ tiến hành kiểm tra và yêu cầu các NMTĐ nhỏ thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, đảm bảo có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa; rà soát phương tiện thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống.
Tập đoàn sẽ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và xử lý kịp thời các vi phạm, lấn chiếm. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân vùng hạ du về công tác PCLB, xả lũ của hồ chứa, đặc biệt là với nhân dân sinh sống gần hạ lưu công trình.
Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo hệ thống cảnh báo hoạt động liên tục, hiệu quả tại vùng hạ du khi vận hành, xả lũ hồ chứa và hệ thống camera giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa, truyền hình ảnh về Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Để đảm bảo công tác PCTT&TKCN năm 2017 được hiệu quả, EVN kiến nghị:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa, để thực hiện quan trắc đảm bảo chất lượng và đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn về lập bản đồ ngập lụt hạ du cho các hồ chứa, để các đơn vị quản lý các NMTĐ có cơ sở làm việc với các địa phương trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới về Quản lý an toàn đập.
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
Share