Nhận thức của các doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế trong thực thi. Ảnh: Hồng Hoa |
Còn nhiều rào cản
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành cách đây 10 năm (năm 2010). Việc tiết kiệm điện nói riêng, sử dụng năng lượng hiệu quả nói chung tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân, trong quá trình thực hiện các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng, tính lan tỏa và hiệu quả còn thấp. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn hạn chế trong thực thi. Bên cạnh đó, trong các quy định của Nhà nước, việc chuyển đổi các cơ chế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ “tự nguyện” sang “bắt buộc” còn kéo dài. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và chưa nghiêm; công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng còn khá lỏng lẻo; cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế…
Theo TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giai đoạn 1 (2006-2010) được xem như giai đoạn khởi động, giúp cộng đồng làm quen, nâng cao nhận thức và áp dụng một số giải pháp ban đầu. Sang giai đoạn 2 (2010-2015), những thách thức đã nảy sinh khi “đụng” đến những vấn đề cốt lõi, cụ thể là đổi mới dây chuyền công nghệ đã lạc hậu.
“Việc đầu tư công nghệ cao chưa được các DN quan tâm do, giá điện còn thấp. DN hoàn toàn có thể xem xét phương án nộp phạt, thay vì phải bỏ tiền đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, vì không mang lại lợi ích trước mắt, mà phải 10-15 năm tới mới phát huy được hiệu quả”, ông Hà Đăng Sơn cho biết. Thực tế, nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương để triển khai các chương trình tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải điện còn hạn chế; hệ thống ngân hàng thương mại trong nước chưa sẵn sàng cho vay tín dụng để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Chính phủ cũng chưa có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình quản lý phía nhu cầu (DSM)/chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Ngoài ra, Chính phủ vẫn cho phép sản xuất và lưu thông đèn tròn sợi đốt có công suất tới 60W, dẫn tới vẫn còn hơn 4 triệu đèn tròn sợi đốt đang sử dụng để xông thanh long ra hoa trái vụ.
Đi tìm giải pháp
Trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị vừa ban hành đã nhấn mạnh: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh khó khăn về nguồn điện như hiện nay, tiết kiệm điện phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, Nhà nước cần phải ban hành các chỉ thị, chính sách về tiết kiệm điện, trong đó tích hợp tất cả các giải pháp, kể cả về công nghệ, quản lý và ý thức, trách nhiệm. Cùng với đó các chế tài về hành chính, tài chính và thưởng, phạt phân minh. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện, loại bỏ hoàn toàn bóng đèn sợi đốt; có quy trình sử dụng điện tiết kiệm nghiêm ngặt, giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm điện cho cả quốc gia.
Theo các chuyên gia, cần có các chế tài thưởng/phạt trong hoạt động tiết kiệm năng lượng.
|
Ông Hà Đăng Sơn đề xuất, cần phải rà soát, đánh giá lại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó, có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Bởi Luật được ban hành cách đây 10 năm, đã nảy sinh những vấn đề mà trước đây Luật chưa thể bao quát được. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế.
Còn PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững cho rằng, việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt trong các khu đô thị đang gần như bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm. Việt Nam cần phải cấp định mức cho năng lượng. Hiện nay các nước phát triển như Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy đã phải tính đến cấp định mức về năng lượng. Ví dụ, một công trình bao nhiêu người ở, diện tích ở bao nhiêu thì được sử dụng số điện năng tương ứng với diện tích đó. Ngoài ra, công trình phải có những giải pháp tự tìm nguồn năng lượng (mặt trời, gió hay là điện nhiệt), hoặc phải tự tích lũy nước mưa để sử dụng,... Việt Nam cũng đã có những chủ trương, dự án phát triển điện mặt trời áp mái, đồng nghĩa với việc đưa các mái nhà trở thành những nhà máy điện. Nhưng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn, sao cho những mái nhà, những bãi trống,… của các khu đô thị đều có thể phát điện tại chỗ.
Để tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng, được thực thi hiệu quả, trở thành một phong trào lan tỏa khắp cộng đồng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như chính những người sử dụng năng lượng. Cùng với đó là các quy định, chế tài thưởng/phạt phải được thực thi một cách nghiêm túc.
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share