Sáng 22/12, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam - Văn phòng đại diện tại TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp TPHCM tổ chức hội thảo khoa học giới thiệu các công nghệ biến tần trong điện mặt trời mái nhà.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các các sở, ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư về năng lượng tái tạo và các nhà nghiên cứu nhằm tìm hiểu các công nghệ biến tần mới nhất trong điện mặt trời mái nhà.
Điện năng lượng mặt trời, nhờ vào công nghệ biến tần, đã trở thành một giải pháp năng lượng tái tạo phổ biến và hiệu quả để giải quyết vấn đề tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải nhà kính, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.
Theo các nghiên cứu, các tòa nhà và nhà máy sản xuất chiếm tới 40%-60% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các giải pháp năng lượng sạch, như điện mặt trời, có thể giúp giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.
Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học giới thiệu các công nghệ biến tần trong điện mặt trời mái nhà
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thượng Quân, Phó trưởng Văn phòng đại diện của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năng lượng mặt trời không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Tại miền Nam Việt Nam, một hệ thống điện mặt trời có thể sản xuất trung bình khoảng 4 kWh mỗi ngày cho mỗi KWp. Với giá điện dân dụng hiện tại, chỉ cần đầu tư một lần, người dân có thể hoàn vốn trong vòng chưa đầy ba năm, tiết kiệm chi phí điện hàng tháng. Việc sử dụng năng lượng tái tạo còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản yêu cầu các nhà máy phải sử dụng năng lượng tái tạo để đảm bảo tiêu chuẩn về tín chỉ xanh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ thương mại mà còn nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của họ.”
Trong điện năng lượng mặt trời, biến tần (inverter) là “trái tim” của hệ thống. Biến tần đóng vai trò chuyển đổi điện một chiều (DC) từ tấm quang điện thành điện xoay chiều (AC) để hòa chung với lưới điện; và có nhiều công nghệ biến tần khác nhau.
Tại hội thảo, diễn giả đưa ra 3 công nghệ biến tần đang được sử dụng trên thế giới. Đó là, biến tần chuỗi (string inverter), biến tấn phân tán (micro inverter) và biến tần Optimizer.
Công nghệ biến tần đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, vốn là nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Bằng cách chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng sạch, hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp giảm phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác vào không khí, góp phần vào việc làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Công nghệ biến tần còn giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của hệ thống điện mặt trời, giảm thiểu các tổn thất năng lượng và kéo dài tuổi thọ của các tấm quang điện. Các công nghệ biến tần mới, như micro inverter và optimizer, còn giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống ngay cả trong điều kiện có bóng râm hoặc sự cố của một tấm quang điện.
Việt Nam hiện đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ môi trường ngày càng cao. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích việc phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các hệ thống điện mặt trời mái nhà, sử dụng các công nghệ biến tần hiện đại để tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu khí thải.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, các công nghệ biến tần sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của điện mặt trời mái nhà, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và môi trường.
Link gốc
Theo voh.com.vn
Share