Đảm bảo điện cho tăng trưởng cao: Giải pháp nào?

15:01, 07/05/2025

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 đã, đang đặt ra yêu cầu cao về bảo đảm điện năng. Giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu về điện? Đây là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5.

Bảo đảm cung ứng điện năm 2025

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu. Nguồn: VGP

Từ góc nhìn kinh tế vĩ mô, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, điện năng là điều kiện tiên quyết để kích hoạt sản xuất, tiêu dùng – hai động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế. Ông cũng chỉ ra rằng, bên cạnh yêu cầu về sản lượng, chất lượng nguồn điện ngày càng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, bán dẫn, hay trong bối cảnh cam kết Net Zero.

Chính vì vậy, theo ông Hiếu, ngành Điện không chỉ phải bảo đảm đủ điện cho mọi tình huống, mà còn cần chuẩn bị lộ trình điều chỉnh giá phù hợp hơn, bảo đảm tính đúng, tính đủ và có khả năng bù đắp chi phí vận hành trong thị trường điện cạnh tranh.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương. Ảnh: VGP

Với số liệu và kịch bản điều hành cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương cho biết, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%, phụ tải điện năm 2025 được dự báo sẽ tăng hơn 12%. Từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành Điện xây dựng kế hoạch cung ứng, dự phòng và kịch bản điều độ theo nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, sáu nhóm giải pháp trọng tâm đã được triển khai đồng bộ.

Thứ nhất, các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất để đáp ứng nhu cầu điện trong năm.

Thứ hai, về mặt cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn kho để đáp ứng trong những giai đoạn cao điểm.

Thứ ba, thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4; dự án lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên…

Thứ tư, yêu cầu Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống vận hành, huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện.

Thứ năm, tăng cường tiết kiệm điện. Đây cũng là một trong những giải pháp được đặt ra hết sức quan trọng, bởi tiết kiệm điện cũng tương ứng với việc  giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm.

Cuối cùng là các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra giám sát để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Giá điện chưa phản ánh đúng chi phí sản xuất

Các chuyên gia cảnh báo, chỉ các giải pháp kỹ thuật, vận hành là chưa đủ. Nếu không tháo gỡ “điểm nghẽn” lớn nhất là cơ chế giá điện, ngành Điện sẽ khó đảm bảo cân đối cung – cầu bền vững trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - nêu rõ các bất cập lớn của giá điện. Trong đó, giá điện đang chưa phản ánh đúng chi phí sản xuất thực tế, gây khó khăn cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Giá điện hiện vẫn phải "gánh" quá nhiều mục tiêu, khi vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, việc dồn nhiều chức năng ngoài thị trường vào cơ chế giá đang làm suy yếu tín hiệu đầu tư, khiến khu vực tư nhân e ngại tham gia các dự án điện.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa (ở giữa). Nguồn: VGP

Đáng lưu ý, ngoài bất cập về việc chưa "tính đúng – tính đủ" các chi phí đầu vào, cơ chế bù chéo giữa nhóm hộ sinh hoạt – sản xuất, giữa các vùng miền, vẫn kéo dài suốt nhiều năm. Tình trạng mua điện với giá cao nhưng bán ra dưới giá thành đã dẫn đến thua lỗ kéo dài trong ngành Điện, ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng tái đầu tư. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu hụt nguồn điện trong trung và dài hạn nếu không được điều chỉnh sớm bằng lộ trình giá điện minh bạch, phản ánh đúng chi phí.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng việc duy trì giá điện ở mức thấp hơn chi phí thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh năng lượng trong dài hạn. Theo ông, để bảo đảm dòng vốn đầu tư cho ngành Điện, điều kiện tiên quyết là xây dựng một thị trường minh bạch, có khả năng dự báo và vận hành trên cơ sở cơ chế giá hợp lý, ổn định.

Dẫn kinh nghiệm từ một số quốc gia như Thái Lan và Singapore, ông Sơn chỉ ra rằng việc chuyển sang cơ chế giá điện thị trường, đặc biệt khi áp dụng giá theo giờ, đã tạo động lực rõ rệt trong việc thu hút đầu tư. Ngược lại, nếu tiếp tục duy trì mức giá điện thấp mang tính hành chính, hệ thống sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm chất lượng, thiếu hấp dẫn đầu tư và mất cân đối dài hạn.

Ông cũng lưu ý đến bài học từ sự cố tại bán đảo Iberia, lưới điện tại đây dù hiện đại vẫn bị sụp đổ do thiếu nghiên cứu đầy đủ trong việc tích hợp năng lượng tái tạo và không chuẩn bị kịch bản ứng phó phù hợp. Như vậy, Việt Nam cần theo đuổi lộ trình chuyển dịch năng lượng một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, kịch bản rõ ràng và đầu tư đúng mức vào hệ thống điều phối, truyền tải và bảo đảm dự phòng.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn chỉ ra, so với khu vực, giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước như Thái Lan, Indonesia hay Philippines. Mức giá này tuy có lợi trước mắt nhưng là rào cản lớn cho phát triển dài hạn khi không đảm bảo thu hút vốn đầu tư mới, không bảo đảm cung ứng điện ổn định. Giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành. Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (VIMIKO) chia sẻ, doanh nghiệp không yêu cầu giá điện thấp mà cần nguồn điện ổn định, chất lượng và cơ chế rõ ràng để lập kế hoạch sản xuất. Theo ông, việc cung ứng điện những năm gần đây đã được ngành Điện nỗ lực duy trì, và doanh nghiệp đánh giá cao sự chia sẻ, minh bạch thông tin của ngành Điện.

Ông Đạt cho biết thêm, trong những năm gần đây, doanh nghiệp của ông đã chủ động đã triển khai kiểm toán điện năng, nâng cấp dây chuyền, áp dụng công nghệ tiết kiệm điện và chuyển sang đầu tư năng lượng mặt trời áp mái nhằm giảm áp lực lên hệ thống, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ.


Nguyệt Hà (Tổng hợp)

Share

Lưới điện EU cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư, nâng cấp để tránh sự cố 'kiểu' Tây Ban Nha

Lưới điện EU cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư, nâng cấp để tránh sự cố 'kiểu' Tây Ban Nha

Lưới điện châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn trong kỷ nguyên chuyển đổi năng lượng. Hệ thống truyền tải già cỗi, thiếu khả năng lưu trữ và độ linh hoạt vận hành thấp đang làm gia tăng nguy cơ mất điện trên diện rộng – như sự cố nghiêm trọng vừa qua tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.



EVNSPC: Thí điểm giải thể Điện lực cấp huyện, thành lập Đội Quản lý điện

EVNSPC: Thí điểm giải thể Điện lực cấp huyện, thành lập Đội Quản lý điện

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thí điểm giải thể 18 điện lực quận/huyện, thành lập 18 Đội quản lý điện trực thuộc 18 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố (trong đó có Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đồng Nai).



Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An kiểm tra các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An kiểm tra các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

Ngày 7/5/2025, tại tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm: Dự án cơ sở hạ tầng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.