Điện lực Việt Nam: Lược sử 70 năm xây dựng và phát triển (Bài 1)

16:22, 18/12/2024

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Điện Việt Nam luôn khẳng định vai trò “đi trước một bước” phục vụ công cuộc đổi mới, CNH – HĐH đất nước.

Kỳ 1: Ngành Điện cùng nhân dân bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (giai đoạn 1954 – 1975)

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Đất nước tạm chia thành 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ở miền Bắc, ngành Điện cùng nhân dân bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Điện lực vẫn trong tay chính quyền Mỹ - Ngụy.

Bác Hồ đến thăm Trung tâm điều hành Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn

* Khu vực miền Bắc:

Những năm đầu tiếp quản (1954 - 1960): Cơ quan quản lý đầu tiên của ngành Điện Việt Nam non trẻ lúc này là Cục Điện lực, được thành lập năm 1955. Cục trưởng Cục Điện lực giai đoạn 1955 – 1961 là ông Hồ Quý Diện. Sau khi tiếp quản các nhà máy điện từ người Pháp, công tác trọng tâm của ngành Điện giai đoạn này là sửa chữa, đại tu các thiết bị cũ của các nhà máy điện, củng cố, cải tạo, sửa chữa một số dây chuyền sản xuất điện bất hợp lý.

Các đường dây tải điện Hà Nội – Sơn Tây, Hà Nội – Hà Đông, Phố Nối – Hưng Yên, Thái Bình – Nam Định được phục hồi. Tuyến đường dây cũ 30,5kV Hà Nội – Hải Phòng được cải tạo thành 35kV và hàng trăm ki lô mét đường dây 35kV mới được xây dựng, đã đưa điện đến các khu công nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đường dây 110 kV đầu tiên ở miền Bắc cũng được xây dựng trong giai đoạn này. Năm 1963, đường dây 110kV đầu tiên được xây dựng hoàn thành là Đông Anh – Việt Trì, cùng với các đường dây 110kV sau đó đã hình thành lưới điện 110kV kết nối 9 nhà máy điện (Yên Phụ, Việt Trì, Thái Nguyên, Uông Bí, Thượng Lý, Cửa Cấm, Cọc 5, Bắc Giang, Thác Bà) ở miền Bắc thành một hệ thống sản xuất, truyền tải điện với tổng công suất 130MW (chưa kể 3 nhà máy nhiệt điện Vinh, Lào Cai, Thanh Hóa vận hành độc lập). Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của hệ thống điện trước khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Các nhà máy điện Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định tiến hành tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý xí nghiệp. Các nhà máy điện mới được xây dựng trong giai đoạn này: Năm 1956 xây dựng Nhà máy điện Lào Cai (8MW), Nhà máy điện Hàm Rồng (6MW), Nhà máy điện Vinh (8 MW). Năm 1959, khởi công Nhà máy điện Việt Trì 16MW.

Các xí nghiệp trong ngành Điện được sắp xếp lại theo các lĩnh vực: Phát điện và Truyền tải – Phân phối điện năng. Các xưởng sửa chữa thiết bị cơ – điện, sửa chữa các máy biến áp, các xí nghiệp vật tư, vận tải lần lượt ra đời. Trường Kỹ thuật Trung cấp I – cơ sở đào tạo chính quy đầu tiên của ngành Điện được thành lập năm 1955, trên cơ sở tiếp quản Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội.

Ngành Điện thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965): Hàng loạt nhà máy điện mới đi vào vận hành. Đến năm 1965, tổng công suất đặt của các nhà máy điện trên toàn miền Bắc đạt 161MW, sản lượng điện là 659 triệu kWh. Hàng nghìn km đường dây 35 kV liên tỉnh được xây dựng, mạng lưới điện cao áp 110kV nối liền các nhà máy điện với tổng chiều dài 260 km.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí – nhà máy nhiệt điện lớn đầu tiên ở miền Bắc được khởi công ngày 19/5/1961. Đây là công trình trọng điểm của Nhà nước, công trình nhiệt điện lớn nhất của ngành Điện miền Bắc thời kỳ này, do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, cung cấp thiết bị và đào tạo cán bộ, công nhân. Nhiệt điện Uông Bí đợt 1 khánh thành sau chiến dịch 970 ngày đêm xây dựng. Ngày 2/9/1965, khánh thành đợt 2, đưa tổng công suất cả 2 đợt lên 48MW. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Nhà máy vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục mở rộng đợt 3 (năm 1975), đợt 4 (năm 1976). Tính đến hết năm 1976, tổng công suất của Nhà máy là 153MW, là nguồn điện chủ lực ở miền Bắc. (Từ năm 2002, Nhiệt điện Uông Bí tiếp tục được đầu tư mở rộng công suất thêm 2 lần nữa (tổng công suất 630MW), nâng tổng công suất của Nhà máy lên 740MW, giữ vai trò là một trong những nguồn nhiệt điện quan trọng của hệ thống điện quốc gia).

Năm 1964, ngành Điện miền Bắc khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà công suất 108MW, gồm 3 tổ máy 36MW, do Liên Xô viện trợ. Đây là công trình trọng điểm của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965). Nhà máy khánh thành đợt 1 và đưa vào vận hành ngày 05/10/1971, đến tháng 5/1972 đã hoàn thành toàn bộ. Đây không phải là công trình thủy điện đầu tiên ở nước ta, nhưng là công trình thủy điện công suất lớn đầu tiên và cũng là lớn nhất lúc đó, mở đầu cho chương trình khai thác thủy điện của ngành Điện Việt Nam. Đây còn được coi là nôi đào tạo cán bộ chủ chốt của ngành Điện trong lĩnh vực thủy điện.

Ngành Điện lúc này đã có thể truyền tải điện đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các tỉnh đồng bằng và một số tỉnh ở miền trung du để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bước đầu cải thiện đời sống, văn hóa, xã hội,…

Sự ra đời của các nhà máy điện trong giai đoạn này dẫn đến sự hình thành hàng loạt các sở quản lý và phân phối điện, trên cơ sở tách các chức năng này ra khỏi các nhà máy điện. Ngành Xây lắp đường dây và trạm cũng ra đời trong giai đoạn này. Đây là cơ sở để thành lập những công ty lớn tại 3 miền của đất nước sau này.

Một thập kỷ sản xuất và chiến đấu (1965 – 1975): Trải qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại, ngành Điện miền Bắc đã phải đương đầu với 1.652 trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Hầu hết các cơ sở điện lực ở miền Bắc bị hư hỏng nặng. Ba nhà máy điện Cột 5 (Hòn Gai), Cửa Cấm (Hải Phòng), Nam Định bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), ngành Điện đã cùng các ngành khác bước vào thời kỳ khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, chuẩn bị các điều kiện vật chất - kỹ thuật để bước sang giai đoạn mới.

CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ khôi phục sản xuất sau trận bom năm 1967. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn

Đến hết năm 1975, công suất điện toàn hệ thống ở miền Bắc đạt 451MW, sản lượng điện đạt 1.264 triệu kWh. Điện năng phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế quan trọng khác đạt tỷ lệ 80%, phục vụ tiêu dùng là 15%.

* Khu vực miền Trung: Tại miền Trung, trước năm 1975, hầu hết nguồn điện do Công ty Nước và Điện Đông Dương miền Trung (SIPEA) và Công ty Điện lực Việt Nam (CDV) quản lý. Toàn miền không có lưới điện truyền tải cao áp.

Do có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh triền miên suốt 30 năm, nền kinh tế khu vực miền Trung không phát triển được. Đến khi giải phóng miền Nam, mức tiêu thụ điện ở Điện lực miền Trung mới chỉ đạt bình quân 13kWh/người/năm.

* Khu vực miền Nam: Trước ngày giải phóng (30/4/1975), điện ở miền Nam chủ yếu phục vụ cho thắp sáng, tiêu dùng ở Sài Gòn và làm lá chắn cho bộ máy chiến tranh của Mỹ - Ngụy. Mức tiêu thụ bình quân 80 kWh/người/năm.

Lưới điện gồm 3 cấp điện áp 230kV, 66kV và 15kV. Tổng chiều dài lưới truyền tải là 800 km, trong đó 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66 kV chia thành 3 khu vực vận hành độc lập: Miền Đông, miền Tây và Cao nguyên. Lưới phân phối tập trung ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh lỵ lớn.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chính quyền Cách mạng tiếp quản các cơ sở điện lực ở miền Nam và thống nhất ngành Điện toàn quốc. 

Ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 2: Nhanh chóng tiếp quản các cơ sở điện lực, hoàn thành những công trình lớn (Giai đoạn 1976 -1985)


PV (Tổng hợp)

Share