Tham dự chương trình, có Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê – nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam Đặng Hùng, cùng các cán bộ lãnh đạo lão thành, cán bộ hưu trí ngành Điện.
Về phía lãnh đạo EVN có Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, các Thành viên HĐTV Tập đoàn, các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Cùng dự có Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn, lãnh đạo các tổng công ty, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc EVN.
Những trang sử vẻ vang
Cách đây tròn 70 năm, ngày 21/12/1954, giữa bộn bề công việc sau khi tiếp quản Hà Nội, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: "... Nhà máy bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa...”. Từ đó, ngày 21/12 hằng năm trở thành một mốc son đối với các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Điện. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 là thành Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Tại chương trình, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đã ôn lại lịch sử hào hùng của ngành Điện Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tập thể cán bộ công nhân viên ngành Điện đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, tiếp quản, phục hồi các nhà máy, đường dây duy trì sản xuất điện. Trong chiến tranh, với ý chí và tinh thần cách mạng “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”, tập thể những người làm điện vừa kiên cường bám trụ sản xuất vừa cầm súng đánh giặc để giữ vững dòng điện. Một thời kỳ hào hùng vừa đánh giặc vừa sản xuất đã ghi danh vào lịch sử đất nước, lịch sử ngành Điện với những tập thể, đơn vị và cá nhân Anh hùng lao động.
Sau khi đất nước thống nhất, hàng trăm cán bộ, kỹ sư ngành Điện đã vào tiếp quản các cơ sở điện lực ở miền Nam, khôi phục sản xuất điện. Ngành Điện cùng cả nước bước vào thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh và bắt nhịp đổi mới, tạo ra những động lực mới cho phát triển đất nước.
Các đại biểu tham dự chương trình
Những nguồn điện lớn được xây dựng, hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành tiếp tục đánh dấu những mốc son trong lịch sử phát triển ngành Điện, đặc biệt là hệ thống điện ba miền Bắc - Trung - Nam hợp nhất thành hệ thống điện quốc gia.
Một sự kiện đáng ghi nhớ là Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập trên cơ sở nguồn lực từ Bộ Năng lượng và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1995. Từ khi thành lập, EVN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, đó là giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân.
Sứ mệnh “điện đi trước một bước”
Bước vào thế kỷ 21, Đảng và Chính phủ đã có những định hướng, quyết định lớn về chiến lược phát triển Điện lực, thực hiện chủ trương đa dạng hoá đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện lực. Ngành Điện Việt Nam bước sang trang sử mới với các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực điện lực được mở rộng.
Có thể nói đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của hệ thống điện Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu, là tiền đề quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân với nhu cầu điện thương phẩm tăng trưởng bình quân trên 11%/năm trong giai đoạn 2001-2024, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục.
Nhiều công trình điện quy mô lớn đã được đưa vào vận hành như: Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La 2.400MW – lớn nhất Đông Nam Á, tiếp đến là các NMTĐ Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang... Việt Nam cũng đã xây dựng những trung tâm nhiệt điện lớn như: Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Quảng Ninh, Hải Phòng... Ngoài ra, còn nhiều nhà máy điện IPP, BOT của các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước đã được xây dựng.
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn tri ân các lão thành, cán bộ hưu trí ngành Điện nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống
Bên cạnh đó, nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) đã có sự phát triển nhanh chóng trong 5 năm gần đây. Đó là những nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc dự kiến khoảng 82.400MW, tăng 14 lần so với năm 2000 (6.170 MW) và tăng 3 lần so với năm 2010 (20.600MW) đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN.
Hạ tầng lưới điện đã được đầu tư phát triển đồng bộ, vươn tới mọi miền đất nước, đồng thời hệ thống điện Việt Nam đã liên kết lưới điện để trao đổi điện với các nước trong khu vực. Hệ thống điện 500kV “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung thêm mạch 2, mạch 3. Lưới điện 500-220kV tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam được kết nối mạch vòng đảm bảo yêu cầu cung cấp điện an toàn và tin cậy.
EVN và các đơn vị chú trọng đầu tư cấp điện các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,83%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,74%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điện khí hoá nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo, các đảo có vị trí chiến lược như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị về đảm bảo cung ứng điện và đầu tư phát triển hạ tầng điện, ngành Điện đã thực hiện nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động sang cơ chế thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất điện. Đồng thời, Tập đoàn và các đơn vị thành viên chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, xây dựng các trung tâm điều khiển xa, trạm không người trực đối với 100% các TBA 110kV và 82% các TBA 220kV.
Công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng của EVN đã có nhiều đổi mới cơ bản và toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Các dịch vụ điện trực tuyến của EVN đã đạt cấp độ 4 và đã kết nối với các nền tảng số quốc gia, của các bộ, ngành, địa phương, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng.
Vững tin tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cũng đã thông tin tới các lão thành, cán bộ hưu trí ngành Điện về những kết quả chính đã đạt được trong năm 2024. Trong đó, EVN và các đơn vị ngành Điện đã đảm bảo cung cấp điện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như nhu cầu phụ tải tăng cao; khó khăn về nguồn cung, đặc biệt là tại miền Bắc; cùng đó là tình hình thiên tai bão lũ ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Đặc biệt, EVN đã hoàn thành thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với thời gian ngắn kỷ lục chỉ sau hơn 6 tháng thi công. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị giải ngân vốn đầu tư vượt kế hoạch. EVN và các đơn vị rất nỗ lực thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 có lợi nhuận…
70 năm ngành Điện đã không ngừng phát triển và lớn mạnh cùng đất nước. Nguồn ảnh: Ban Truyền thông EVN
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành Điện Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và yêu cầu đổi mới cấp thiết trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Về phát triển điện lực, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản pháp luật quan trọng, đặc biệt Luật Điện lực mới được thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV đã sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để thực hiện nhanh các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu trọng tâm phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. “Nhưng với truyền thống nỗ lực vượt khó vươn lên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ quyết tâm tìm mọi giải pháp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do Đảng, Chính phủ giao, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. EVN sẽ tiếp tục tinh gọn, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường” – Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Evn.com.vn sẽ tiếp tục thông tin về chương trình.
Minh Hạnh - Ngọc Tuấn
Share