Doanh nghiệp đang “chạy đua” cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050

09:42, 02/07/2025

Không còn là cam kết trên giấy, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi công nghệ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đẩy mạnh đầu tư xanh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn nhiều thử thách nếu thiếu cơ chế hỗ trợ rõ ràng và đồng hành từ chính sách.

Nhìn từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Ngay sau Hội nghị COP26, các ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may, da giày, thép, xi măng… đã rơi vào cuộc đua “bắt buộc” khi thị trường quốc tế bắt đầu siết quy định về phát thải. Các tiêu chuẩn như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU), yêu cầu báo cáo ESG hay truy xuất nguồn gốc năng lượng khiến nhiều doanh nghiệp Việt “choáng váng”.

Giới chuyên gia nhận định, đạt Net Zero không đơn thuần là bảo vệ môi trường, mà là bảo vệ thị phần. Doanh nghiệp nào không chuyển đổi sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, không ít tập đoàn lớn trong ngành Công Thương đã đầu tư hàng triệu USD để lắp đặt điện mặt trời áp mái, thay thế lò hơi đốt than bằng sinh khối, ứng dụng phần mềm giám sát phát thải...

Điển hình tại Tổng công ty May 10 - CTCP, đã xây dựng lộ trình để đầu tư máy móc, công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm lượng khí thải carbon; đầu tư và tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, điện sinh khối; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm… trong nhiều năm qua.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất xanh hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ảnh minh họa

Tính đến cuối năm 2024, May 10 đã thay thế 90% lò đốt than tại các xưởng sản xuất bằng lò đốt viên nén biomass với mục tiêu giảm phát thải 20.000 tấn carbon ra môi trường trong năm 2025. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu phủ kín điện mặt trời áp mái tại các đơn vị.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Thành quả và mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình”, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, để tiếp tục mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong năm 2025, EVN phấn đấu giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối của toàn hệ thống lưới điện xuống dưới 6%; giảm công suất phụ tải đỉnh thông qua chương trình quản lý phía nhu cầu điện (DSM/DR) tối thiểu 1.500MW.

Đồng thời, tư vấn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả 24/7 qua các Tổng đài Chăm sóc khách hàng và các công cụ hỗ trợ cung cấp thông tin về mức tiêu thụ điện trực tuyến cho khách hàng; tư vấn cho khách hàng sử dụng điện lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và mua bán điện trực tiếp theo Nghị định số 57/2025/NĐ-CP và 58/2025/NĐ-CP.

Đánh giá của giới chuyên gia, tiết kiệm điện đang từng bước trở thành trụ cột trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với vai trò của mình, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện hiệu quả, trong đó phải kể đến chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016–2020 đã giúp cả nước tiết kiệm được khoảng 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ, tương đương hàng tỷ kWh điện. Từ năm 2020 đến nay, các chương trình sử dụng năng lượng tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là tiết kiệm điện với mục tiêu đạt từ 2% tổng sản lượng điện thương phẩm/năm trở lên.

Cần có chương trình cụ thể cho từng ngành

Dán nhãn năng lượng được đánh giá là một trong những chương trình tiết kiệm điện hiệu quả. Theo ông Hoàng Việt Dũng - Phó Trưởng phòng Hiệu quả năng lượng và Chuyển đổi xanh (Bộ Công Thương), chương trình dán nhãn năng lượng hiện đã áp dụng cho 19 nhóm sản phẩm, với hơn 20.000 sản phẩm được dán nhãn, loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt khỏi thị trường, góp phần tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh mỗi năm. Hiệu quả sử dụng điều hòa không khí cũng được cải thiện, giúp tiết kiệm công suất tương đương gần một nhà máy nhiệt điện 300MW.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đặc biệt lưu ý, để hiện thực hóa cam kết Net Zero 2050, không chỉ doanh nghiệp mà cả hệ sinh thái, gồm chính sách, hạ tầng, nguồn vốn và nhân lực… phải cùng chuyển động. Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng, mà là điều kiện tiên quyết để tồn tại và cạnh tranh.

Qua thực tế cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp đã thích ứng kịp thời thì còn không ít, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể bắt kịp tốc độ. Lý do chủ yếu nằm ở bài toán chi phí đầu tư ban đầu cao, cùng với việc thiếu chuyên gia tư vấn, công nghệ và giải pháp đo lường phát thải phù hợp.

Do đó, nhiều ý kiến bày tỏ, cần có gói tín dụng xanh thực chất, với lãi suất thấp và quy trình phê duyệt nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không, mục tiêu Net Zero 2050 sẽ chỉ là sân chơi của các “ông lớn’”.

Ở góc độ khác, ông Hoàng Việt Dũng cho biết thêm, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, kiểm toán năng lượng và khuyến khích đầu tư điện tái tạo trong sản xuất. Tuy nhiên, để có bước đột phá, nhiều ý kiến bày tỏ, các chính sách hỗ trợ vẫn cần được “đo ni đóng giày” hơn nữa cho từng ngành và từng quy mô doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường kiểm toán và tư vấn năng lượng; giám sát thực hiện tại các địa phương, tạo chuyển biến rõ rệt từ trung ương đến cơ sở...

Với vai trò của mình, lãnh đạo EVN cho biết, đang đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và triển khai các cơ chế mua bán điện trực tiếp theo các nghị định mới của Chính phủ. Với những nỗ lực đó, EVN cam kết tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong hành trình phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Link gốc


Theo doanhnghiephoinhap.vn

Share

EVNNPT triển khai thi công Trạm biến áp 500kV Thái Bình và đường dây đấu nối

EVNNPT triển khai thi công Trạm biến áp 500kV Thái Bình và đường dây đấu nối

Dự án Trạm biến áp 500kV Thái Bình và đường dây đấu nối được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thi công ngày 8/7, tại xã Thần Khê, tỉnh Hưng Yên.


Bộ đội chung sức thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Bộ đội chung sức thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 đang góp sức để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Dưới đây là chùm ảnh được evn.com.vn thực hiện ngày 8/7 tại tỉnh Lào Cai, về cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2 tham gia hỗ trợ thi công trên công trường năng lượng trọng điểm của đất nước.


Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2025; mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 7 năm 2025

Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2025; mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 7 năm 2025

Trong tháng 6 năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.


Tháng 6/2025, lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc cao nhất kể từ đầu năm

Tháng 6/2025, lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc cao nhất kể từ đầu năm

Lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 vừa qua tại miền Bắc được ghi nhận tăng cao đáng kể so với các tháng trước đó.


Mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 16h ngày 9/7/2025

Mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 16h ngày 9/7/2025

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có Công điện số 4176/CĐ-BNNMT ngày 09/7/2025, điện Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở 01 cửa xả đáy hồ thuỷ điện Hòa Bình vào hồi 16h00 ngày 09/7/2025.