Đường dây 500kV mạch 3: Kết quả của sự đồng lòng toàn Đảng, toàn dân

17:25, 08/12/2024

Kỳ tích đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, tiếp tục công cuộc phát triển hạ tầng của đất nước, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Cùng lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo một số địa phương, cơ quan, tổ chức đã tham gia chung sức cùng ngành Điện trong quá trình triển khai dự án này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài:

Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ công tác điều hành, chỉ đạo và phối hợp tháo gỡ các khó khăn cho dự án

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện đồng loạt các nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật của các dự án đường dây 500kV mạch 3, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, báo cáo lãnh đạo Bộ để tìm các biện pháp giải quyết.

Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng tổ chức họp định kỳ 2 tuần/1 lần dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương để kiểm điểm tiến độ các dự án, phân rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết cho các công việc cụ thể, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ các dự án.

Bộ Công Thương đặc biệt tập trung đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ Công Thương, Quốc phòng,… thực hiện theo đúng quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Do đó chỉ sau 5 tháng từ thời điểm quyết định triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư. Công tác thẩm tra thiết kế kỹ thuật các dự án đường dây 500kV mạch 3 dưới sự chỉ đạo khẩn trương của Bộ Công Thương cũng hoàn thành chỉ trong gần 1 tháng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đánh giá, bàn thảo để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường GPMB; tháo gỡ khó khăn trong huy động nhân lực, máy thi công và cung cấp vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn về cung cấp cột thép; tháo gỡ khó khăn về vận chuyển vật tư thiết bị nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn về công tác huy động nhân lực dựng cột, kéo dây.

Với sự tham mưu chiến lược từ Bộ Công Thương cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai dự án với tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới đã góp phần hoàn thành thi công đường dây 500kV mạch 3 theo đúng tiến độ.

Ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh:

Kinh nghiệm trong triển khai thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 141,52km, gồm có 285 vị trí móng cột thuộc 09 huyện, thị xã, trong đó có 178 vị trí móng cột đi qua diện tích rừng và đất lâm nghiệp, với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng 39,1693ha.

Quá trình tham mưu thực hiện các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã tuân thủ các quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các pháp luật khác. Tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động, quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu và tiến độ dự án để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng với các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn ngay từ đầu để cùng kiểm tra hồ sơ, hiện trường, soát xét số liệu diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích trồng rừng thay thế và hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản đảm bảo phù hợp giữa diện tích chuyển đổi và yêu cầu của dự án. Từ đó xác định được diện tích chuyển đổi chính xác sát với thực tiễn, hạn chế được việc điều chỉnh số liệu trong quá trình thực hiện.

Đối với một số nội dung chuyển đổi diện tích đi qua nhiều đối tượng rừng đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp làm việc, giải trình và xin ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ ngành Trung ương sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2028 liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, tthông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi một số nội dung về trồng rừng thay thế của thông tư số 25/2022/TT- BNNPTNT ngày 30/12/2022. Từ đó đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo đúng yêu cầu tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa:

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng giảm nhiều công đoạn

Tại tỉnh Thanh Hóa có 2 dự án thành phần là đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và Nam Định I - Thanh Hóa, tổng chiều dài 132,78km với 299 vị trí cột và 137 khoảng néo, đi qua 11 huyện/thị, tổng diện tích đất thu hồi là 34,45ha, ảnh hưởng đến 1.361 hộ dân và tổ chức, 101 hộ dân phải di dời tái định cư.

Đoạn tuyến đi qua nhiều khu dân cư, đất canh tác trồng cây nông nghiệp, đất trồng lúa, đất ở và qua nhiều vùng, địa phương người dân có tập quán văn hóa khác nhau.

Để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội địa phương tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, đã đến từng nhà, rà từng tên để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đồng thuận, đồng sức, đồng lòng hỗ trợ việc thi công. Mọi cơ chế, chính sách luôn minh bạch chế độ và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, lấy việc giải thích, vận động, khuyến khích người dân ủng hộ dự án làm nòng cốt. 

Nhờ đó, trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã giảm nhiều công đoạn, thời gian từ 2 đến 3 năm xuống còn 7 tháng.

Đây là thành tích nổi bật về công tác bồi thường GPMB, là một trong rất ít các dự án thực hiện rất tốt, rất nhanh mà được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân. Toàn bộ quá trình không phải thực hiện bất cứ biện pháp hành chính để bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế, thu hồi, thậm chí nhiều hộ gia đình chủ động rời đi trước khi được vận động để nhường đất cho dự án.

Ông Bùi Quang Cảnh - Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 (PCC4):

Vượt qua các khó khăn để hoàn thành dự án đúng tiến độ

Công trình trải dài trên nhiều tỉnh của hai miền Bắc – Trung sở hữu đặc điểm khác biệt. Nếu khu vực miền Bắc với các vùng chiêm trũng, mưa nhiều kèm sét thì khu vực miền Trung được ví như “túi mưa, chảo lửa”. Các vị trí móng ở trên núi cao, địa chất phức tạp như vùng Nghi Sơn, Nam Đàn, Diễn Châu, Kỳ Anh, lượng đào - san gạt đá lớn, đi qua địa hình đồi núi gập ghềnh, hiểm trở, có những vị trí móng nằm trên núi đá, phải khoan phá đá với thời gian dài.

Bên cạnh yếu tố thời tiết thì việc đẩy nhanh tốc độ thi công cũng gặp nhiều khó khăn cho PCC4 khi phải trang bị số lượng lớn vật tư, trang thiết bị trong thời gian ngắn để triển khai thi công đồng loạt tại 239 vị trí móng cọc, huy động gần 300 máy ép/đóng cọc với tổng chiều dài cọc khoảng 780 nghìn mét.

Để thực hiện khối lượng công việc trên, nhà thầu buộc phải có nhiều giải pháp để tuyển dụng lượng lớn nhân lực có tay nghề, kinh nghiệm thực hiện dựng cột, kéo dây tại các địa hình núi cao hiểm trở, địa chất phức tạp. Rất nhiều cột cao vượt sông, vượt hồ, trong đó có 7 cột cao 145m, nhiều giao chéo với đường quốc lộ, đường điện 500kV, 220kV, 110kV đòi hỏi thi công trong thời gian ngắn, ít thời gian cắt điện nhất nhưng phải an toàn tuyệt đối về con người và thiết bị cũng như tài sản của nhà nước.

Trước những thách thức, nhà thầu lập kế hoạch triển khai chi tiết từng giai đoạn thi công, thành lập các ban chỉ huy công trường cho các gói thầu, phân công nhiệm vụ chi tiết rõ người, rõ việc, thi công 24/7; tập trung mọi nguồn lực tài chính, huy động nguồn nhân lực, máy móc địa phương với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” tận dụng tối đa thời gian làm việc.

PCC4 cũng ứng dụng nhiều sáng kiến trong thi công, đẩy nhanh tiến độ lắp dựng cột thanh cái ống, cột vượt; sử dụng thiết bị bay để kéo rải dây mồi, thiết bị kéo hãm thủy lực đồng bộ có thể cùng lúc kéo rải 2-3 dây dẫn kích thước lớn, khoảng néo dài nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công kéo các khoảng dây lớn, vượt rừng, địa hình đồi núi, sông hồ, giao cắt đường giao thông… Đặc biệt việc huy động lực lượng kỹ sư, công nhân có năng lực, chuyên môn kỹ thuật sâu hoàn thành công việc lắp dựng cột liên kết ống (DO) lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.

Dưới sự hỗ trợ từ chủ đầu tư về ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và giám sát dự án, cập nhật tiến độ theo thời gian thực; bố trí lực lượng cán bộ riêng để lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi hoàn thành từng hạng mục công trình để bổ sung nguồn lực tài chính cho thi công dự án cũng là bước tiến mới giúp rút ngắn thời gian, giúp cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

Phát động phong trào thi đua 5 nhất trên công trường

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư phát động phong trào thi đua 5 nhất trên Công trình dự án đường dây 500kV mạch 3: “Tiến độ nhanh nhất, Chất lượng tốt nhất, An toàn – tiết kiệm nhất, Sáng tạo nhất và Chăm lo đời sống tốt nhất”. Phong trào thi đua hiệu quả đã góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Công trình đường dây 500kV mạch 3 được thực hiện ở 9 địa phương là nơi có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nhất. Vượt qua khó khăn về điều kiện thời tiết, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo an toàn, Công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn bố trí người lao động làm sớm, làm muộn, nghỉ trưa nhiều để tránh nắng, trời mưa, giông, sấm sét, gió to không được làm trên cao, tranh thủ làm dưới đất, làm bù.

Dưới sự vận động của công đoàn nhiều sáng kiến có giá trị đã được ghi nhận kịp thời. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khen thưởng 02 sáng kiến xuất sắc. Điển hình như sáng kiến: “Chế tạo giá thao tác phục vụ công tác lắp dựng cột ống (DO)” của Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà, giúp giảm thời gian thi công cột cao 145m, nặng 426 tấn từ 50-55 ngày xuống còn 40- 45 ngày, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh và Công đoàn các đơn vị đã tổ chức hàng trăm đoàn thăm hỏi, tặng quà cho người lao động trên công trường với số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích kinh phí công đoàn gần 5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đoàn viên, người lao động được biệt phái, tăng cường cho dự án như nước, dưỡng chất giải nhiệt chống nóng, hỗ trợ sức khoẻ, bù đắp sinh hoạt phí... Công đoàn các cấp cũng khen thưởng kịp thời tại công trường, kết thúc các giai đoạn, mốc thi đua với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn: 

6.272 đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ tại 297 địa điểm thi công công trình

Nhận định rõ nhiệm vụ, trọng tâm công việc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẩn trương, quyết liệt, tập trung chỉ đạo 09 tỉnh Đoàn từ Quảng Bình đến Hưng Yên triển khai hiệu quả các hoạt động tình nguyện, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ thi công công trình.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại 09 tỉnh đã thành lập 465 đội hình thanh niên tình nguyện với 6.272 đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ tại 297 địa điểm thi công công trình (gồm địa điểm dựng cột, kéo dây; địa điểm các khoảng cột cần giải phóng mặt bằng đảm bảo an toàn hành lang đường dây; địa điểm hỗ trợ người dân tái định cư…).

Các đội hình thanh niên tình nguyện đã hoàn thành hỗ trợ tháo dỡ 262 công trình nhà ở, 150 chuồng trại và vật kiến trúc; giải tỏa, phát quang 176 ha rừng sản xuất và chặt hạ 22.826 cây tại khu vực đồng bằng, khu vực dân cư nơi có hành lang tuyến đường dây 500kV đi qua để bàn giao mặt bằng thi công công trình.

Qua việc triển khai Đợt thi đua cao điểm này, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào và quyết tâm của tuổi trẻ khi được tham gia đóng góp sức trẻ vào các công việc quan trọng của đất nước; từ đó phát huy sức mạnh nội tại của đoàn viên thanh niên, tinh thần vượt khó, dấn thân, dám nghĩ, dám làm, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động, hướng tới mục tiêu chung vì một Việt Nam hùng cường.


Thanh Hương (lược ghi)

Share