Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của EVN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định: “Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ nếu chúng ta không có các giải pháp phát triển nguồn, lưới điện”.
Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân liên tục gia tăng, vượt quá khả năng cung ứng. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, sẽ tăng lên khoảng 130.000 MW.
Trong khi đó, thủy điện hiện đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng tiềm năng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Các nguồn điện khác thay thế cũng gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân, nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ, các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển quy mô lớn do chi phí cao, hệ thống truyền tải chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Việc vay vốn nước ngoài để phát triển nguồn điện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về bảo lãnh Chính phủ…
Thách thức lớn đối với ngành Điện còn là sự mất cân đối giữa cung và cầu của từng vùng, miền. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.
Hệ thống truyền tải điện giữa các vùng, miền chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải “xương sống”, các tuyến nhánh còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ các dự án phát triển nguồn. Quá trình đàm phán nhập khẩu điện của nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn.
EVN đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đảm bảo điện năm 2019
|
Giải pháp nào?
Trước những thách thức trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ “không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân” (Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 1/1/2019), Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã yêu cầu toàn Tập đoàn khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, phải đảm bảo các tổ máy sẵn sàng vận hành đạt công suất thiết kế, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than phải đảm bảo vận hành liên tục, ổn định trong mùa khô; chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng cho bảo dưỡng, sửa chữa; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn. Cân đối đủ nguồn than, khí trong và ngoài nước cho phát điện, nhất là vào mùa khô năm 2019. Tiếp tục làm việc và triển khai ký hợp đồng với các nhà cung cấp than/khí (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam) để giải quyết vấn đề nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy điện. Trường hợp than trong nước không đủ, các đơn vị chủ động hoặc phối hợp với TKV, Tổng công ty Đông Bắc để nhập than cho phát điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tiết kiệm điện; Thực hiện giải pháp điều hòa phụ tải, đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện. Đảm bảo tiến độ công trình đầu tư nguồn và lưới điện, hoàn thành đàm phán ký hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc trong quý I/2019.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và năng suất lao động. Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các đề án thiết thực, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như BigData, Cloud, AI, IoT, Blockchain, công nghệ số hóa...
Cùng với việc xác định bứt phá về đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện là yêu cầu hàng đầu nhằm bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, EVN cũng sẽ chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII; xác định lại cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền; vận hành an toàn hệ thống điện; giảm tổn thất điện năng; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng...
EVN - Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2019:
- Điện sản xuất và mua: 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018
- Độ tin cậy cung cấp điện: Giảm SAIDI xuống 400 phút, về đích trước 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm
- Tỷ lệ tổn thất điện năng: 6,7%, giảm 0,2% so với năm 2018 và phấn đấu giảm xuống 6,5%
- Chỉ số tiếp cận điện năng: Thứ hạng 24/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và duy trì vị trí trong ASEAN 4.
- Năng suất lao động: Tăng trên 10%
- Bảo toàn và phát triển nguồn vốn, phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
Share