Ứng dụng công nghệ số giúp tiết kiệm thời gian và chi phí
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực là một yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược đúng đắn tạo ra sức bật giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Là một đơn vị trực thuộc EVNNPC, Công ty Điện lực Lào Cai đã nhanh chóng triển khai tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho PC Lào Cai nhận thấy rõ qua hàng năm khi chi phí được tối ưu, trong khi chất lượng và năng lực quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh không ngừng nâng cao.

Công nhân Xí nghiệp Lưới điện cao thế Lào Cai đo phóng điện cục bộ tại Trạm biến áp 110kV Lào Cai. Ảnh: Thu Hiền
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Lưới điện cao thế Lào Cai, với đặc điểm địa hình miền núi, nhiều đường dây vượt sông suối, núi cao nên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác giám sát và bảo trì lưới điện đã tạo thuận lợi cho công nhân rất nhiều. Một trong những đổi mới quan trọng là việc sử dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) để kiểm tra đường dây. Trước đây, công nhân điện phải mất hàng giờ, thậm chí cả ngày trời, "cơm nắm muối vừng" mang theo để kiểm tra tuyến, thì giờ đây với sự trợ giúp của flycam, công việc này được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo an toàn hơn.
Bên cạnh đó, người lao động cũng được trang bị camera nhiệt, máy ảnh siêu zoom để phát hiện điểm nóng hay các khiếm khuyết trên đường dây, giúp ngăn ngừa sự cố kịp thời. Những thiết bị này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro trong công tác kiểm tra mà còn giúp tăng tuổi thọ thiết bị điện.
Còn đối với PC Sơn La, đơn vị đang sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, GIS, bản đồ sét. Các phần mềm thường xuyên được cập nhật, chuẩn hóa, đã giúp tiết kiệm tối đa thời gian, nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng nguồn lực và tiết kiệm chi phí. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng được thực hiện dựa trên việc phân tích nhật ký vận hành, thu thập dữ liệu tình trạng thiết bị, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây ra sự cố để xử lý kịp thời.
Hay như PC Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới các kênh giao tiếp với khách hàng thông qua các nền tảng số như website, ứng dụng di động EVNNPC CSKH và tổng đài chăm sóc khách hàng trực tuyến. Khách hàng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về chỉ số công tơ, lịch cắt điện, hóa đơn tiền điện, cũng như thực hiện các yêu cầu dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Công ty cũng tích cực triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, ví điện tử và các cổng thanh toán trực tuyến, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn linh hoạt, an toàn và thuận tiện hơn khi thanh toán tiền điện.
Ông Nguyễn Hữu Linh - Phó phòng Kinh doanh PC Vĩnh Phúc cho biết: "PC Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phối hợp với ngân hàng và các tổ chức trung gian để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt 100%. Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các phương thức thanh toán nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ trích nợ tự động qua ngân hàng để đảm bảo giao dịch an toàn, tránh nguy cơ bị kẻ gian giả danh nhân viên điện lực lừa đảo".
Với những nỗ lực không ngừng trong chuyển đổi số, EVNNPC đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến sự hài lòng cao nhất cho khách hàng, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành hệ thống điện.
Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số
Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã chủ động xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2022 (theo Nghị quyết số 141/NQ-HĐTV ngày 08/4/2021) và kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025 (theo Nghị quyết số 192/NQ-HĐTV ngày 01/8/2023) với nội dung tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Số hóa quy trình, số hóa dữ liệu, triển khai các công nghệ số trong mọi lĩnh vực của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ…
Qua đó, quá trình chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả cao trong công tác Quản lý kỹ thuật, An toàn, Đầu tư xây dựng, Kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Cụ thể, EVNNPC đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới điện 110kV, cũng như lưới điện trung áp với 100% thiết bị trên lưới được số hóa qua phần mềm hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS. Đồng thời, Tổng công ty còn chuyển đổi các trạm biến áp (TBA) 110kV sang vận hành theo phương thức không người trực; Trung tâm Điều khiển xa tại 27 Công ty Điện lực trực thuộc có nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển toàn bộ lưới điện ở các TBA 110kV, cũng như các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế…
Đối với công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4 – cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ; 100% hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường không gian mạng; số hóa 100% hồ sơ, hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng. Đặc biệt, EVNNPC còn cung cấp thông tin điện lực dựa trên nền tảng internet thông qua các nền tảng số như: Fanpage Facebook, Zalo, website CSKH, email… và đẩy nhanh quá trình thay thế lắp đặt công tơ cơ khí sang công tơ điện tử đo xa. Đến cuối năm 2024, trên 96% số công tơ bán điện do EVNNPC quản lý có khả năng thu thập dữ liệu từ xa.
Trong lĩnh vực đầu tư, khảo sát thiết kế và đấu thầu, EVNNPC đã tích cực chuyển đổi số theo hướng áp dụng nhật ký thi công điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án trên phần mềm. Cùng với đó, các thông tin về hợp đồng, thiết bị và đơn giá được Tổng công ty cập nhật thường xuyên trên chương trình IMIS 2.0; Triển khai ứng dụng thiết kế 3D chuyên dụng trong công tác thiết kế các dự án xây dựng đường dây và TBA. 100% số lượng các gói thầu đều được EVNNPC thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng thông qua hệ thống điện tử; 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn ngành Điện.
EVNNPC cũng đạt nhiều thành quả tích cực khi triển khai và ứng dụng công nghệ số AI, camera thông minh nhận diện hình ảnh để giám sát chất lượng thi công của nhà thầu, an toàn lao động trên các công trường nhà máy điện và các dự án lưới điện quan trọng. Năm 2024, tổng công ty thu về 40.840 hình ảnh nhận diện đánh giá tuân thủ của nhà thầu trong công tác giám sát an toàn lao động. Trong công tác nhận diện, phân tích hình ảnh các bước thi công được triển khai ứng dụng công nghệ AI tại 615 dự án, thu về 2.789.399 hình ảnh nhận diện và 186.361 hình ảnh nhận diện có bảng hiệu.
Riêng trong lĩnh vực quản trị nội bộ, mà trọng tâm là lĩnh vực quản trị văn phòng, EVNNPC đang áp dụng triệt để hệ thống văn phòng điện tử Digital-Office (D-Office) với tất cả CBCNV. Hệ thống bao gồm đầy đủ các phân hệ văn thư; văn bản đến, công việc; văn bản đi/ văn bản đi nội bộ; áp dụng chữ ký số, cũng như hồ sơ tài liệu, đánh giá, chấm điểm, tích hợp hệ thống gửi nhận văn bản giữa EVN và các đơn vị...

Theo ông Phan Tử Lượng – Phó Tổng giám đốc EVNNPC, hướng tới hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số trong tương lai gần, thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Trong đó, EVNNPC xác định lấy con người làm trung tâm và tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số thông qua công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động, cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ công nghệ thông tin. Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ chủ động nâng cấp các phần mềm, phát triển thêm một số phần mềm mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh, cũng như phục vụ khách hàng ngày một hoàn hảo.
Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lưới điện 110kV và phân phối; Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng; Số hóa các quy trình nội bộ thuộc lĩnh vực quản lý đấu thầu, nâng cao năng lực quản trị công tác kế hoạch, xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý công tác dịch vụ điện lực… lãnh đạo EVNNPC cho biết.
Với bước đi bài bản, kết hợp với sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi CBCNV-NLĐ trong toàn Tổng công ty, chắc chắn rằng, quá trình chuyển đổi số tại EVNNPC tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện trong mọi mặt hoạt động. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, sớm cán đích trở thành doanh nghiệp số, đồng thời quảng bá và xây dựng hình ảnh người thợ điện miền Bắc thân thiện, chuyên nghiệp, vì khách hàng.
Thanh Hương
Share