Giải quyết dứt điểm vấn đề tro, xỉ

09:27, 19/02/2019

"Cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy việc sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao của nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất… hướng tới giải quyết bài toán môi trường". Đó là khẳng định của ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Ông Phạm Trọng Thực

PV: Xin ông cho biết một số đánh giá về những giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện thời gian qua?

Ông Phạm Trọng Thực: Tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón là vấn đề nóng trong năm 2018. Theo Bộ Công Thương, năm 2018, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 13 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 65% tổng lượng thải), miền Trung (21%) và miền Nam (14%). Lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt khoảng hơn 5,06 triệu tấn, chiếm khoảng 38,9% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn.

Ngoài ra, khối lượng thạch cao PG phát sinh khoảng 1,78 triệu tấn và thạch cao PG lưu giữ tại các bãi thải hiện nay khoảng 6,92 triệu tấn, mới tiêu thụ được khoảng 420.000 tấn.

Sau khi có Quyết định 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; giao Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, tổ chức giám sát, kiểm tra việc xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón.

Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 và Văn bản số 523/TTg-CN phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, trong đó, giao nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất tự lập, phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thì cơ bản đã giải quyết được vấn đề này.

Đơn cử trên địa bàn TP. Hải Phòng, tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 đã cơ bản giải quyết được vấn đề tro, xỉ, thạch cao khi bãi xỉ thạch cao của nhà máy hầu như không còn tro, xỉ vì đã được đấu thầu bao tiêu trong cả năm.

Đối với bã thải thạch cao PG của Nhà máy DAP Vinachem - Đình Vũ, Bộ Công Thương đang cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, doanh nghiệp (DN) tận dụng bã thải thạch cao PG làm vật liệu xây dựng và vật liệu khác cho phát triển kinh tế. Công ty CP DAP - Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã hợp tác với Công ty CP Thạch cao Đình Vũ xây dựng xong nhà máy chế biến bã thải thạch cao PG làm phụ gia cho xi măng và đi vào sản xuất, công suất nhà máy đạt 750.000 tấn/năm; hợp tác với Công ty Ngọc Linh để xây dựng nhà máy giai đoạn I, công suất 600.000 tấn/năm (dự kiến tháng 6/2019 nhà máy đi vào hoạt động).

Dây chuyền sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ

PV: Từ những kết quả trên, theo ông có cần thêm những biện pháp nào để xử lý những khó khăn, tồn tại của doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề môi trường?

Ông Phạm Trọng Thực: Hiện nay, tuy đã có các cơ chế, chính sách về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng… nhưng doanh nghiệp còn khó tiếp cận. Đặc biệt, chưa có đầu ra cho sản phẩm của các nhà máy.

Đã xác định tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất và phân bón là một dạng tài nguyên, vì vậy, đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các đơn vị, bộ, ngành có cơ chế sử dụng tài nguyên này phục vụ sản xuất.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất giải pháp sử dụng tro, xỉ vào công tác san lấp mặt bằng.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân. Đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu coi tro, xỉ và thạch cao PG là một tài nguyên, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp, chúng ta có đủ cơ sở giải quyết thực trạng này. Cũng cần đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính… để giải quyết những vấn đề về thuế, phí, môi trường.

Coi chất thải này là nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, giảm bớt nhập khẩu hoặc khai thác thạch cao tự nhiên là hướng ưu tiên mà Bộ Công Thương cố gắng thực hiện trong năm 2019.

Bênh cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục cùng các bộ, ngành đôn đốc các nhà máy nhiệt điện và hóa chất thực hiện đúng theo Quyết định 1696/QĐ-TTg, Quyết định số 452/QĐ-TTg.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Xây dựng cũng như doanh nghiệp để xây dựng tiêu chuẩn về thạch cao PG làm vật liệu san nền, phụ gia xi măng, làm đường và các vật liệu khác. Đối với các nhà máy nhiệt điện phía Bắc, cơ bản đã giải quyết xong. Còn lại 2 Trung tâm Nhiệt điện lớn như Vĩnh Tân và Duyên Hải, sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, người dân giải quyết những tồn đọng.

PV: Xin cảm ơn ông!


Theo Báo Công Thương

Share