Hệ thống điện Việt Nam nằm trong top đầu khu vực ASEAN

08:11, 23/08/2019

Đây là thông tin được ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2019 được tổ chức vừa qua.

Ảnh minh họa

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, đến hết năm 2018, hệ thống điện Việt Nam đạt tổng công suất đặt hơn 48.000 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia). Trong đó, các nguồn điện do EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc quản lý chiếm tỷ trọng 58%.

Sản lượng điện sản xuất cũng liên tục tăng trưởng cao trong thời gian dài. Năm 2000, sản lượng điện sản xuất chỉ là 22 tỷ kWh, đến năm 2018 đạt 220,31 tỷ kWh và dự kiến năm 2019 ước đạt 242 tỷ kWh.

Cùng đó, hệ thống lưới điện truyền tải hiện gồm 7.800 km đường dây 500 kV, 17.000 km đường dây 220 kV, 19.500 km đường dây 110 kV và trên 150.000 MVA công suất các máy biến áp từ 110 - 500 kV, đứng đầu khu vực ASEAN.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, EVN đã tăng cường triển khai các giải pháp và chất lượng cung cấp điện đã được cải thiện đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổn thất điện năng toàn Tập đoàn thực hiện 6,59%, tốt hơn 0,17% so với cùng kỳ năm 2018, đứng thứ 3 ASEAN (sau Singapore và Thái Lan). Về chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực. 

Năng lượng tái tạo phát triển nhanh

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. 

Tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất đặt 5.038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia. Dự kiến, đến ngày 31/12/2019, sẽ có thêm khoảng 1.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. 

Tính riêng điện mặt trời áp mái, trong 3 tháng trở lại đây, đã có hơn 4.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt 200 MW. EVN kỳ vọng, đến cuối năm 2019, công suất điện mặt trời áp mái sẽ đạt thêm 300 MW.

Hiện Việt Nam đang áp dụng mức giá mua điện mặt trời áp mái là 9,35 cents/kWh. Bộ Công Thương đang đề xuất giữ nguyên mức giá điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021 để khuyến khích phát triển. 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng nhấn mạnh, phát triển điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu để giảm được chi phí truyền tải, giảm áp lực về giá và tăng hiệu suất sử dụng. 

EVN kỳ vọng đến hết năm 2020, điện mặt trời áp mái sẽ đạt được 2.000 MW.


Phạm Tân

Share