Đảo xa bừng sức sống
Lại Sơn là một hòn đảo khá nguyên sơ, yên bình của Kiên Giang, với diện tích khoảng 11 km2. Được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, nhưng trước đây, xã đảo xinh đẹp này đã từng không thể giữ chân những người con của đảo, do cuộc sống khó khăn, nghề tôm, cá không đủ nuôi gia đình, nhiều người bản địa phải rời đảo, vào đất liền tìm kế sinh nhai.
Thế nhưng, cuộc sống nơi xa khơi đã đổi thay với bước ngoặt điện lưới quốc gia được vượt sóng gió ra với đảo. Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn với đường dây 110kV vượt biển đã được EVNSPC đóng điện từ năm 2016. Từ đây, ánh điện đã đánh thức sức sống của hòn đảo phía Nam Tổ quốc, khơi dậy tiềm năng du lịch. Không chỉ “kéo” du khách tới đảo, mà ánh điện cũng đã “gọi” những người con của đảo trở về. “Có điện lưới quốc gia, làm du lịch ổn nên tôi và nhiều người đi xa đã trở về, từ đó đến giờ cũng yên tâm làm ăn, sinh sống”, anh Lâm Quang Thắng – một người dân xã đảo chia sẻ.
Đời sống kinh tế ngày một khá lên, nhiều hộ dân có của ăn, của để, cuộc sống trên đảo giờ không khác với đất liền. Giá điện được áp mức chung do Nhà nước quy định, thấp hơn nhiều so với thời dùng máy phát diesel. Điện cũng sáng hơn, ổn định hơn, đủ tải cho cả những thiết bị công suất lớn như máy lạnh, tủ đông… Bà con nhờ thế mà yên tâm bám biển, bám đảo, phát triển kinh tế.

“Áo cam” đưa điện tới đảo Lại Sơn. Ảnh: N.Tuấn
Câu chuyện “thay da đổi thịt” không chỉ có ở xã đảo Lại Sơn, mà là bức tranh chung của các xã đảo, huyện đảo kể khi có điện lưới quốc gia. Điện thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo và đặc biệt, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Không thể không nhắc tới Trường Sa - tiền đồn vững chắc của Tổ quốc trên biển Đông, là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh đất nước. Từ năm 2017, EVNSPC đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao tiếp nhận và quản lý toàn bộ hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa, quản lý cung cấp điện cho Nhà giàn DK1.
“Đối với Trường Sa, vấn đề đảm bảo điện đặc biệt quan trọng. Thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nói riêng và quân chủng Hải quân nói chung, xin cảm ơn EVN, EVNSPC, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã thực sự quan tâm tới quân dân Trường Sa - nơi tuyến đầu Tổ quốc”, Đại tá Cao Văn Sơn – Phó Chủ nhiệm Cục hậu cần, Quân chủng Hải quân chia sẻ. Nguồn điện ổn định là yếu tố rất quan trọng để góp phần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới hải đảo. Đồng thời, nhờ có điện ổn định, liên tục đời sống quân và dân trên đảo đã tốt hơn, giúp chiến sĩ, đồng bào yên tâm sinh sống, công tác nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đoàn công tác EVN, EVNSPC kiểm tra hệ thống điện tại Trường Sa, tháng 5/2024. Ảnh: ĐVCC
Vượt khó tạo nên những kỷ lục
Mỗi dự án đưa điện vươn khơi là một hành trình gian nan, nỗ lực không mệt mỏi của người làm điện miền Nam. Đối với các huyện, xã đảo gần bờ, sau khi tiếp nhận bán điện, EVNSPC đã triển khai hàng loạt các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Từ đây, những công trình năng lượng vươn tầm khu vực, những “kỷ lục”… đã ra đời.
Tiêu biểu có công trình đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc - là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Công trình được EVNSPC đóng điện và đưa vào vận hành tháng 2/2014. Nhờ đó, giá điện Phú Quốc đã về mức cùng “mặt bằng” như giá trong đất liền, từ trung bình là 5.060 đồng/kWh đã giảm gần 50% so với thời điểm chưa có điện lưới quốc gia.
Đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam, và là đường dây 220kV vượt biển dài nhất khu vực Đông Nam Á - Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Công trình được đóng điện vận hành giai đoạn 1 trong tháng 10/2022, giúp tăng cường năng lực cung ứng điện cho đảo Phú Quốc thêm 500MW, gấp 5 lần công suất sử dụng điện trước đó và đáp ứng nhu cầu về điện đến năm 2035.

Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc. Ảnh: ĐVCC
Với các công trình vượt biển, triển khai bao giờ cũng khó khăn gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với trên đất liền. Trước hết, việc vận chuyển thiết bị, thi công phụ thuộc triều cường, biển động. Có những dự án, một nửa thời gian thi công luôn phải đối mặt với khó khăn do gặp sức gió biển từ cấp 5 trở lên, mưa lớn không dứt... Càng xa bờ, đáy càng sâu, sóng càng lớn, thậm chí nhiều khu vực lại xuất hiện sóng ngầm. Nhiều móng cột phải khoan và hạ thăm dò nhiều lần, công tác xử lý vô cùng khó khăn, tốn kém bởi địa chất trên biển thay đổi phức tạp, dòng hải lưu chảy xiết. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc trên biển vô cùng khắc nghiệt. CBNV EVNSPC và các nhà thầu phải bố trí tăng ca kíp, ứng trực thường xuyên tại công trường, khi sóng yên là thi công không kể ngày, đêm để bù tiến độ. Thêm vào đó là thử thách từ những công nghệ thi công lần đầu, mới mẻ với Việt Nam, như hệ thống thiết bị thi công cáp ngầm ngoài khơi bằng robot có điều khiển, chế tạo riêng vật liệu xây dựng chịu được môi trường nước biển.... Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên EVNSPC đã sát cánh cùng các lực lượng thi công, thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trường. Với quyết tâm của người làm điện miền Nam, muôn vàn khó khăn đặc thù trong quá trình thi công cũng được giải quyết.
Cùng với đó, các dự án cấp điện cho biển đảo cần vốn đầu tư lớn. Đối với các đảo được cấp điện bằng nguồn tại chỗ (nguồn năng lượng tái tạo) thì giá thành sản xuất điện lớn, tính bền vững và ổn định không cao. Việc vận hành hệ thống lưới điện tại đảo chịu ảnh hưởng của môi trường nhiễm mặn, mưa bão…, do đó tuổi thọ của các thiết bị ngắn hơn rất nhiều so với ở đất liền. EVNSPC phải liên tục đầu tư, bảo dưỡng lưới điện, nên chi phí cho quản lý, vận hành, sửa chữa lưới điện tại các đảo vì vậy cũng tăng cao. Để thực hiện nhiệm vụ tại các đảo xa, những người làm điện EVNSPC cũng phải vượt lên chính mình, liên tục phải xa gia đình, xa đơn vị… để hoàn thành nhiệm vụ.
Để người dân đảo được hưởng các dịch vụ điện tiện ích, EVNSPC còn chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ tiên tiến, đưa những dịch vụ điện hiện đại tới các đảo. Giờ đây, người dân các xã đảo đều được sử dụng 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, trải nghiệm hệ sinh thái khách hàng đa kênh; thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, thực hiện các giao dịch theo phương thức điện tử.
Với bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, EVN, EVNSPC đã và đang tiếp tục nỗ lực để giữ ánh điện sáng trên các đảo. Những bước chân người thợ áo cam vẫn đang tiếp tục vượt sóng gió, xây thêm nhiều công trình, đảm bảo điện với chất lượng ngày càng cao, tạo động lực phát triển kinh tế biển đảo và góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
PN
Share