Ngày 5/10/1971 tổ máy đầu tiên của nhà máy Thủy điện Thác Bà đã khởi động thành công, hòa vào lưới điện Quốc gia. Tiếp đó ngày 10/3/1972 khởi động chạy máy số 2 và ngày 19/5/1972 chạy tổ máy số 3. Cả 3 tổ máy hòa vào lưới điện chung, đạt công suất và sản lượng điện thiết kế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Ngày 20/5/1972, các đơn vị tại công trình Thủy điện Thác Bà nhận được lệnh của Thủ tướng Chính phủ phải nhanh chóng sơ tán người và thiết bị, đưa chuyên gia về nước, che chắn bảo vệ nhà máy để phòng chiến tranh phá hoại của Ních - Xơn. Mọi công việc được triển khai khẩn trương. Ngày 2/6/1972, Đế quốc Mỹ ném hàng ngàn quả bom bi nhằm sát thương công nhân, gây một số thiệt hại ở khu vực trạm phân phối điện ngoài trời.
Ngày 10/6/1972 Ních-Xơn huy động một lực lượng lớn máy bay sử dụng bom tấn có điều khiển lade đánh phá hủy diệt nhà máy. Chúng tôi ai nấy đều thấy trào lên một nỗi uất hận, căm hờn khi chứng kiến một chương trình xây dựng đồ sộ nguy nga, kết quả lao động hòa bình của hàng vạn người, làm trong nhiều năm, cộng với sự hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc địa phương, phút chốc hoang tàn.
Sau trận ném bom hủy diệt của đế quốc Mỹ, Nhà máy Thủy điện Thác Bà được khôi phục, đưa vào sản xuất đầu năm 1973. Ảnh: Trần Nguyên
|
Phương án sửa chữa phục hồi nhanh chóng được đưa ra gồm: phần thu dọn giải phóng mặt bằng nhờ bên B giúp đỡ, chậm nhất đến ngày 30/6/1972 phải xong. Phần thiết bị, các phân xưởng điện, phân xưởng máy kết hợp với lực lượng kỹ thuật của B lắp máy để sửa chữa phục hồi cả thiết bị chính và thiết bị phụ. Riêng Rô to máy phát điện bị bom Mỹ đánh hỏng nặng phải nhờ Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh giúp đỡ phần kỹ thuật.
Từ ngày 1/7/1972 sẽ chính thức bắt tay sửa chữa, trước mắt phục hồi tổ máy số 2 là tổ máy hư hỏng ít hơn cả, tiếp đó sẽ sửa chữa tổ máy số 1, còn tổ máy số 3 hư hỏng quá nặng sau này phải thay thế.
Khi đó, Đài Hoa Kỳ công bố là không lực của chúng đã đánh phá hủy diệt nhà máy Thủy điện Thác Bà, Bắc Việt muốn sửa chữa khôi phục lại phải mất thời gian ít nhất là 2 năm...
Công việc sửa chữa, phục hồi nhà máy được tiến hành khẩn trương với khí thế hừng hực, nhưng lặng lẽ, không ồn ào. Đồng chí đại diện bên B thi công cho biết: Nhà máy bị đánh phá dữ dội gây hư hỏng quá nặng nề, việc phục hồi một tổ máy lớn trong một thời gian hai tháng chỉ là một điều viển vông, không thể nào thực hiện được. Chúng tôi không thể tham gia sửa chữa với nhà máy được, chỉ có thể giải phóng mặt bằng thôi.
Bộ Tham mưu của nhà máy họp quyết định: kiên quyết làm bằng được và rút thời gian xuống còn một tháng rưỡi (sửa chữa: một tháng, hiệu chỉnh nửa tháng). Để đạt mục tiêu trên, chúng tôi động viên anh em đóng góp ý kiến đề xuất sáng kiến sửa chữa khắc phục khó khăn.
Tôi nhớ khi đó máy tuabin nước, phức tạp nhất là bộ điều tốc của cả ba máy đều bị hư hỏng nặng nề, đồng chí Hoàng Thái An quản đốc phân xưởng máy nêu ý kiến: Mỗi bộ điều tốc có 3 yêu cầu tự động, xin cho mua ba bộ xích líp xe đạp, dùng ba người điều khiển bằng tay miễn là chạy được máy, phát ra điện đảm bảo các tiêu chuẩn và chất lượng là được. Mặt khác đồng chí quản đốc cho thành lập một nhóm sửa chữa máy điều tốc PKM-150, gồm 4 người phụ trách. Đây là một công việc kỹ thuật tinh vi, phải cực kỳ nhẫn nại, tỉ mỉ, nhưng nhóm này đã phục hồi được hoàn hảo bộ điều tốc, nên không phải dùng đến ba bộ xích líp xe đạp nữa.
Việc sửa chữa rô to máy phát điện là công việc khó khăn, vất vả, nặng nề nhất, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nhà máy phải kết hợp với lực lượng kỹ thuật của nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh và lực lượng sửa chữa của Nhà máy điện Việt Trì để phục hồi.
Còi báo động cả ngày nên anh em phải chuyển sang làm việc ban đêm, nhiều người say mê làm thâu đêm đến sáng. Thời gian trôi qua rất nhanh, càng sửa chữa càng phát hiện thêm hư hỏng, anh em đề nghị cho phép làm việc thêm cả ban ngày nữa, nếu không thì không kịp.
Kết quả, nhà máy Thủy điện Thác Bà với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị bạn, với sự chỉ đạo kiên quyết của cấp trên, đã hoàn thành việc sửa chữa phục hồi tổ máy số hai trước thời hạn 3 ngày so với kế hoạch điều chỉnh. Ngày 12/8/1972, tổ máy số hai đã khởi động lại thành công đưa điện lên lưới. Đúng lúc đó, một trận bão lớn đổ bộ vào đất liền, điện của Thủy điện Thác Bà đã kịp thời cung cấp điện chống úng cứu lúa cho Đồng bằng Sông Hồng trước sự ngạc nhiên của lãnh đạo nhiều tỉnh và sự mến mộ của bà con nông dân đối với công nhân ngành Điện.
Nhà nước đã biểu dương khen thưởng kịp thời nhà máy Thủy điện Thác Bà phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Nhì.
PV (lược trích hồi ký "Sáng mãi niềm tin" của tác giả Vũ Hiền)
Share