Lên Tuần Giáo nghe chuyện thợ điện

17:27, 19/04/2019

Mất nhiều giờ vượt qua quãng đường núi vài chục cây số để sửa cầu chì hỏng, hay xử lý sự cố nhảy automat của khách hàng trong... vài phút. Đó là chuyện thường nhật của những người làm điện vùng cao tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Bản Phiêng Hin (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo) nằm “lọt thỏm” giữa bốn bề núi cao. Con đường từ trung tâm huyện vào đến bản dài khoảng 30 km, thì có đến 20 km là đường đất với cơ man nào là dốc sỏi. Mùa mưa trơn trượt, lầy lội; mùa nắng bụi bay đầy trời. Để vào được tới bản, chúng tôi phải di chuyển hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ bằng xe máy, vượt qua 2 con suối và vô số đoạn cua khúc khuỷu, lên dốc xuống đèo. Đến nơi, cả đoàn ai cũng được “nhuộm trắng” từ đầu đến chân bởi bụi đường.

Để đến bản Phiêng Hin, công nhân Điện lực Tuần Giáo phải vượt qua 2 con suối

Anh Đỗ Văn Thanh - Công nhân Điện lực Tuần Giáo (PC Điện Biên) chia sẻ, trời nắng còn đi được bằng xe máy, chứ vào những ngày trời mưa, chỉ có cuốn xích vào bánh xe, thời gian di chuyển cũng phải gấp rưỡi, gấp đôi thế này.

 

Ông Lò Minh Công - Trưởng Bản Phiêng Hin:

Các chú thợ điện Tuần Giáo vất vả nhưng nhiệt tình lắm. Đường xá xa xôi, cách trở nhưng mỗi khi có sự cố điện là đều đến sửa chữa.

Trước đây, chưa có điện, đời sống dân bản rất cực khổ; phải đốt đuốc để ăn cơm. Hiện nay, nhà nhà có điện sáng, có tivi, tủ lạnh; trong bản có máy xay xát... đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Cũng theo anh Thanh, đây chưa phải là bản khó nhất và xa nhất mà Điện lực Tuần Giáo quản lý. Có những bản đặc biệt khó khăn như: Pú Xi, Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo), xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) còn xa hơn và gian nan hơn gấp bội. Thậm chí, chỉ có thể “cuốc bộ” và vác theo đồ nghề.

Anh Thanh nhớ lại, tháng 8/2015, anh cùng đồng nghiệp phải đi xử lý sự cố đổ cột 35 kV ở xã Pú Xi do mưa lũ gây ra. Xong việc đã hơn 18h nhưng không thể ở lại bản mà quay về Trung tâm huyện để tiếp tục xử lý sự cố. Do giao thông bị chia cắt, anh và đồng nghiệp phải đi bộ theo đường mòn. “Mất 4 tiếng đồng hồ băng đồi, chúng tôi mới xuống được đường chính để về Thị trấn. Lúc này, từ đầu đến chân, không có chỗ nào là không lấm lem bùn đất”, anh Thanh nhớ lại.

Đáng nói, có không ít trường hợp bà con báo mất điện, anh em vượt 30-40 km vào đến nơi thì nguyên nhân không phải từ phía điện lực, mà do cầu chì nhà khách hàng bị cháy, hoặc nhảy aptomat. Di chuyển 3-4 tiếng đồng hồ thậm chí là 6-7 tiếng đồng hồ nếu vào mùa mưa, nhưng đến nơi chỉ xử lý sự cố mất dăm bảy phút. “Đặc thù của thợ điện vùng cao là vậy, vất vả nhưng bà con hài lòng là lại vui”, anh Thanh cho hay.

Anh Lò Văn Hải - Điện lực Tuần Giáo chia sẻ, ở vùng núi, cây cối dưới hành lang rất nhiều. Mỗi lần vào bản, anh em điện lực lại tổ chức đến từng gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chặt, tỉa cây cối và cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, dán số điện thoại tổng đài của Tổng công ty Điện lực miền Bắc để bà con liên hệ khi xảy ra sự cố.

Ông Lê Ngọc Tuấn - Giám đốc Điện lực Tuần Giáo cho hay, đơn vị quản lý lưới điện trên 23 xã, thị trấn, trong đó 19 của huyện Tuần Giáo và 4 xã của huyện Mường Chà. Dù chỉ có hơn 19.000 khách hàng nhưng bán kính cấp điện lại rất rộng; đi qua các sông suối, núi đồi nên công tác quản lý, vận hành gặp không ít khó khăn.

Công nhân Điện lực Tuần giáo thay cầu chì cho khách hàng

Để rút ngắn thời gian xử lý sự cố, thời gian qua, đơn vị đã áp dụng nhiều công nghệ trong vận hành lưới điện như lắp đặt máy cắt trên các đường dây để phân đoạn, khoanh vùng sự cố; đồng thời lắp đặt các thiết bị cảnh báo trên đường dây để kịp thời xử lý khi có nguy cơ xảy ra...

“Rất may, bà con nhân dân hiểu được những khó khăn của thợ điện Tuần giáo, nên cũng thông cảm cho chúng tôi, đặc biệt là vào những thời điểm mưa gió", ông Tuấn cho hay.

Kéo điện đến với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa đã khó nhưng việc quản lý, vận hành, sửa chữa điện cũng vất vả, gian nan không kém. Xác định đây là những gian khó trường kỳ, công nhân Điện lực Tuần Giáo nói riêng và Công ty Điện lực Điện Biên nói chung vẫn từng ngày, từng giờ, vượt núi, vượt đèo, đảm bảo ánh sáng cho bà con nhân dân vùng cao.


Nguyễn Thủy

Share

Cận cảnh hạ đặt "trái tim" tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Cận cảnh hạ đặt "trái tim" tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Rotor - “trái tim” của tổ máy số 1 công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được hạ đặt thành công vào vị trí trong sáng 6/7/2025; là tiền đề quan trọng để tiến tới mốc hòa lưới phát điện vào ngày 19/8/2025. Chùm ảnh www.evn.com.vn thực hiện tại công trường.


Cận cảnh hạ đặt "trái tim" tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Cận cảnh hạ đặt "trái tim" tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Rotor - “trái tim” của tổ máy số 1 công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được hạ đặt thành công vào vị trí trong sáng 6/7/2025; là tiền đề quan trọng để tiến tới mốc hòa lưới phát điện vào ngày 19/8/2025. Chùm ảnh www.evn.com.vn thực hiện tại công trường.


Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng

Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng

Vào lúc 11 giờ 20 phút sáng ngày 6/7/2025, tại công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 đã phối hợp với các nhà thầu tổ chức hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đây là cột mốc tiến độ quan trọng trong quá trình lắp đặt thiết bị và hoàn thiện tổ máy.



Giao lưu các điển hình tiên tiến EVN: Ấn tượng và lan tỏa

Giao lưu các điển hình tiên tiến EVN: Ấn tượng và lan tỏa

Yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực làm việc và làm việc sáng tạo,... Đó là một số điểm chung của những tấm gương điển hình tiên tiến đã tham gia giao lưu, chia sẻ trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ V (giai đoạn 2025 – 2030) vừa qua. Evn.com.vn lược ghi một số ý kiến.