Lượng khí thải carbon của Google đã tăng mạnh 51% so với năm 2019, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm khó nỗ lực hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững của tập đoàn công nghệ này.
Dù đã đầu tư mạnh cho các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ thu giữ, loại bỏ carbon, Google vẫn chưa kiểm soát được lượng phát thải phạm vi 3 (scope 3 emissions) – tức phần khí thải gián tiếp phát sinh từ toàn bộ chuỗi giá trị bên ngoài, nằm ngoài phạm vi vận hành trực tiếp của doanh nghiệp như: phát thải từ hoạt động của các nhà cung ứng, sản xuất linh kiện phần cứng, vận chuyển thiết bị, hoặc xây dựng và mở rộng trung tâm dữ liệu.
Báo cáo mới công bố cho thấy, mức tiêu thụ điện của Google trong năm qua đã tăng 27%, khi tập đoàn đang chịu áp lực giảm phát thải carbon song song với tốc độ gia tăng nhu cầu điện năng.

Sự phát triển nhanh của AI có thể làm nhu cầu điện và lộ trình phát thải trong tương lai trở nên khó dự đoán hơn. Ảnh: Reuters
Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò then chốt cho việc huấn luyện và vận hành các mô hình AI – chẳng hạn như Gemini của Google hay GPT-4 của OpenAI, vốn là “bộ não” của chatbot ChatGPT. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể tăng gấp đôi so với mức năm 2022, đạt khoảng 1.000 TWh vào năm 2026 – tương đương nhu cầu điện năng cả nước Nhật Bản. SemiAnalysis – một đơn vị nghiên cứu thị trường – dự báo đến năm 2030, AI sẽ khiến các trung tâm dữ liệu tiêu thụ khoảng 4,5% tổng sản lượng điện toàn cầu. Sự phát triển bùng nổ của AI được dự báo có thể làm nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh một cách khó lường, khiến việc dự báo nhu cầu năng lượng và lượng phát thải trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Một vấn đề khác được Google nhấn mạnh là tiến độ phát triển các nguồn điện carbon thấp vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) – một loại nhà máy điện hạt nhân thu nhỏ, có khả năng xây dựng và hòa lưới nhanh chóng – từng được kỳ vọng trở thành giải pháp khả thi nhằm cung cấp nguồn điện phát thải thấp cho các trung tâm dữ liệu. Ý tưởng đặt ra là những khu vực tập trung nhiều trung tâm dữ liệu sẽ xây dựng các cụm SMR, từ đó giảm bớt gánh nặng phát thải phát sinh từ nhu cầu điện ngày càng gia tăng do AI thúc đẩy. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ tiến độ triển khai các công nghệ năng lượng không carbon quy mô lớn hiện nay vẫn đang chậm hơn đáng kể so với mức cần thiết để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030. Dù Google vẫn tiếp tục đầu tư vào những công nghệ tiềm năng như địa nhiệt thế hệ mới và SMR, quá trình mở rộng quy mô áp dụng vẫn gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ chi phí đầu tư cao và hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thực sự đồng bộ, nhất quán và đủ sức khuyến khích doanh nghiệp triển khai.

Một trung tâm dữ liệu của Google tại Lâu đài Grange, gần Dublin (Ireland). Năm 2022, Cơ quan vận hành lưới điện của Ireland đã yêu cầu tạm hoãn phát triển các trung tâm dữ liệu mới ở Dublin đến năm 2028. Ảnh: The Guardian
Đối với mức độ phát thải phạm vi 3, báo cáo cho biết đây vẫn là một bài toán khó. Tổng lượng phát thải của Google hiện đã lên tới 11,5 triệu tấn CO₂ tương đương – tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 51% so với mốc năm 2019. Trong đó, phần phát thải phát sinh từ chuỗi cung ứng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, riêng phát thải phạm vi 3 được ghi nhận tăng thêm 22% trong năm 2024.
Nhằm bù đắp, Google đang chạy đua mở rộng các hợp đồng mua bán điện sạch (PPA). Kể từ năm 2010, công ty đã ký hơn 170 thỏa thuận với tổng công suất cam kết vượt 22GW. Riêng trong năm 2024, Google đã đưa 25 dự án mới vào vận hành, bổ sung thêm 2,5GW công suất điện sạch vào hệ thống. Đây cũng là năm đạt kỷ lục mới về quy mô hợp đồng, với tổng công suất đã ký thêm đạt mức 8GW.
Một tín hiệu khả quan khác, Google đã sớm hoàn thành một trong những mục tiêu môi trường quan trọng: loại bỏ bao bì nhựa. Theo công bố, từ năm 2024, toàn bộ bao bì của các sản phẩm mới do Google ra mắt và sản xuất sẽ không còn sử dụng nhựa, sớm hơn kế hoạch ban đầu gần một năm so với mốc cuối năm 2025.
Báo cáo cũng nêu rõ AI vẫn mang tiềm năng hỗ trợ đáng kể cho quá trình cắt giảm phát thải toàn cầu, nếu được ứng dụng hiệu quả trong tiết kiệm năng lượng và tối ưu vận hành hệ thống điện. Google đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hỗ trợ cá nhân, đô thị và các đối tác giảm khoảng 1 gigaton (GT) CO₂ tương đương mỗi năm thông qua các giải pháp AI. Các công cụ này có thể giúp dự báo nhu cầu điện, hạn chế lãng phí, đồng thời lập bản đồ tiềm năng lắp đặt điện mặt trời cho các tòa nhà nhằm tối đa hóa sản lượng phát điện.
Tuấn An (Theo The Guardian)
Share