Tham dự hội thảo có ông Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam; ông Hugo Pierrel - Phó Giám đốc quốc gia, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; ông Karim Bregui - Tổng giám đốc EDF Việt Nam; ông Philippe Lienhart - Chuyên gia EDF, Giám đốc dự án hỗ trợ EVN về chuyển dịch năng lượng cùng các chuyên gia đến từ AFD, EDF.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh; cùng đại diện các ban chuyên môn EVN.
Hội thảo "Nâng cao năng lực thích ứng đối với quá trình chuyển dịch năng lượng"
|
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về trung hoà carbon vào năm 2050 tại COP26. Mục tiêu này đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành Điện những thách thức vô cùng to lớn, khi vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải CO2, đồng thời phải cân đối giá điện ở một mức hợp lý.
Triển khai các cam kết của Chính phủ, EVN đã chủ động làm việc với các đối tác để hỗ trợ EVN nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng phù hợp với chương trình phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII, thúc đẩy phát triển các loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh thông tin về những định hướng của EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
|
Lãnh đạo EVN nhấn mạnh, hiện nay vấn đề về chuyển dịch năng lượng trong lĩnh vực điện năng còn một số khó khăn, thách thức. Do đó đối với Việt Nam nói chung và EVN nói riêng cần có sự hỗ trợ rất lớn từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này. EVN mong muốn được chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu của EDF trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Đồng thời chia sẻ một số thông tin về hệ thống điện Việt Nam và phát triển năng lượng sạch.
Ông Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam đánh giá cao những định hướng của EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0. Trong 50 năm qua, Việt Nam và Pháp đã cùng phát triển mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Bằng những kinh nghiệm đã có, thông qua EDF, Pháp cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam để vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển nền kinh tế xanh.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet phát biểu tại hội thảo
|
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về việc phân tích các thách thức và xu hướng phát triển của thị trường năng lượng dưới tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, các ví dụ thực tiễn về sự thay đổi mô hình kinh doanh của các công ty trong lĩnh vực năng lượng; giới thiệu quản trị sự thay đổi thích ứng đối với quá trình chuyển dịch năng lượng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt các nguồn trong hệ thống điện Việt Nam là 83.765 MW, trong đó năng lượng tái tạo bao gồm điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 27% tổng công suất đặt của hệ thống. Về phía nguồn phát điện, các nhà máy trực thuộc EVN và 3 Tổng công ty Phát điện có tổng công suất chưa đến 38% tổng công suất toàn hệ thống, tuy nhiên EVN vẫn đang được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Công suất năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây đã đưa Việt Nam đứng trong danh sách các quốc gia có công suất năng lượng tái tạo tăng cao nhất thế giới. Đây là thành tựu, đồng thời cũng là những khó khăn, thách thức mà EVN phải đối mặt, không chỉ tại lĩnh vực sản xuất, vận hành mà các lĩnh vực khác như tổ chức và nhân sự, kinh doanh, công nghệ thông tin, hạ tầng, pháp chế… cũng phải rất nhanh chóng bắt kịp những thay đổi này của hệ thống, để có những phương pháp quản lý, công cụ quản lý phù hợp.
H.Linh
Share