Ngành điện lực châu Âu đã thải ra lượng khí CO₂ nhiều hơn trong quý đầu tiên của năm 2025 so với bất kỳ quý nào kể từ đầu năm 2023, do sản lượng năng lượng sạch sụt giảm buộc các công ty điện lực phải đốt nhiều than và khí tự nhiên hơn để phát điện.
Theo số liệu từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember, các công ty điện lực đã thải ra gần 390 triệu tấn CO₂ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, tăng 23,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2024.
Lượng phát thải cao trong quý I/2025 đã phá vỡ chuỗi hai năm liên tiếp giảm ô nhiễm từ sản xuất điện trong quý đầu năm, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng xu hướng giảm phát thải điện hàng năm tại khu vực này có thể bị đảo ngược.

Tổng sản lượng điện sạch trên toàn châu Âu trong quý I/2025 giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024
Những yếu tố khiến phát thải tăng
Các quốc gia góp phần lớn vào mức tăng phát thải từ sản xuất điện tại châu Âu là Đức, Hà Lan, Ba Lan và Vương quốc Anh, nơi sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức cao nhất của nhiều năm trong quý I/2025.
Nguyên nhân chính là sự sụt giảm sản lượng điện sạch ở những nước này, dẫn đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh.
Tổng sản lượng điện sạch trên toàn châu Âu trong quý I/2025 giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng Đức giảm tới 19%, Vương quốc Anh giảm 9%, theo số liệu từ Ember.
Sản lượng điện gió cho đến thời điểm này của năm 2025 đặc biệt yếu. Sản lượng điện gió quý I tại Đức đã giảm 30% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 so với cùng kỳ năm 2024. Hà Lan, Ba Lan và Vương quốc Anh cũng ghi nhận mức giảm điện gió khoảng 20% trở lên.
Ngoài ra, sản lượng thủy điện cũng giảm mạnh: Đức giảm 26%, Ba Lan 43% và Vương quốc Anh 18% trong quý I/2025 so với quý I/2024.
Đốt nhiên liệu hóa thạch để bù đắp
Để bù đắp cho nguồn cung năng lượng sạch sụt giảm, các công ty điện lực châu Âu đã buộc phải gia tăng phát điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tổng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu trong quý I/2025 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Một số quốc gia có mức tăng cao hơn mức trung bình gồm: Đức tăng 10%, Hà Lan 25%, Ba Lan 11% và Vương quốc Anh 19%.
Tính trên toàn châu Âu, sản lượng điện từ than và khí đốt đều tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ở cấp độ từng quốc gia, mức biến động trong sản lượng điện từ khí đốt và than đá lại rõ rệt hơn.
Tại Đức, sản lượng điện từ khí đốt trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2024, trong khi sản lượng điện từ than tăng 15%.
Tại Vương quốc Anh, sản lượng điện từ khí đốt trong quý I/2025 tăng 23% so với quý I/2024, còn sản lượng điện từ than giảm về 0 do nhà máy nhiệt điện than cuối cùng tại Anh đã bị đóng cửa.
Hà Lan và Ba Lan ghi nhận sản lượng điện từ cả than đá và khí đốt đều tăng trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước.
Mùa năng lượng sạch sắp đến?
Trong thời gian tới, sản lượng điện mặt trời dự kiến sẽ tăng trên toàn châu Âu khi khu vực bước vào giai đoạn có bức xạ mặt trời mạnh nhất trong năm.
Điều này có thể trùng với thời điểm nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm giảm, giúp các công ty điện lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong những tháng tới.
Tuy nhiên, nhu cầu điện tổng thể cũng bị chi phối bởi hoạt động sản xuất công nghiệp - lĩnh vực đã có dấu hiệu tăng trưởng không đồng đều trong đầu năm 2025.
Nếu hoạt động sản xuất tiếp tục yếu do sức mua của người tiêu dùng thấp, các công ty điện lực khu vực có thể tiếp tục giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và duy trì xu hướng giảm phát thải cả năm.
Ngược lại, nếu sản xuất công nghiệp phục hồi nhờ các gói kích thích khu vực và chi tiêu quốc phòng tăng, các nhà máy điện có thể buộc phải gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kéo theo nguy cơ phát thải gia tăng trở lại so với năm trước.
Để bù đắp cho nguồn cung năng lượng sạch sụt giảm, các công ty điện lực châu Âu đã buộc phải gia tăng phát điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. |
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share