
Ngầm hóa lưới điện góp phần chỉnh trang, cải thiện mỹ quan đô thị. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
PV: Thưa ông, trong 20 năm qua, công tác ngầm hoá lưới điện kết hợp cáp viễn thông đã được ngành điện triển khai mạnh mẽ như thế nào?
Ông Bùi Hải Thành: Vào đầu những năm 2000, TP.HCM đối mặt với tình trạng hệ thống dây điện và cáp viễn thông trên cao chằng chịt, mà người dân hay gọi là các “mạng nhện” trên đường.
Trước thực trạng này, UBND TP.HCM đã xác định ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông là một trong những ưu tiên để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.
Trước đó, năm 2003-2005, Công ty Điện lực TP. HCM (Tiền thân của Tổng công ty Điện lực TP.HCM) đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với khối lượng thực hiện là 9,2 km lưới trung thế và 9,5 km lưới hạ thế.
Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin vẫn còn.
Đến năm 2009 - 2010, ngành điện triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại các khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Với khối lượng thực hiện gồm 9,23 km lưới trung thế và 46,57 km hạ thế đã được ngầm hoá.
Đặc biệt vào năm 2014, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập “Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trên địa bàn TPHCM” nhằm nâng cao khối lượng và đẩy nhanh tốc độ ngầm hoá.
Giai đoạn 2016-2020, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, mở rộng phạm vi ra các quận nội thành khác như Quận 7, Quận 5, Quận 10 và một phần khu vực ngoại thành, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của thi công.
Giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ TP.HCM tập trung hoàn thiện hệ thống lưới điện ngầm, đồng thời đặt nền móng cho các mục tiêu phát triển đô thị thông minh.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những lợi ích thiết thực mà công tác ngầm hóa lưới điện đã mang lại cho TP.HCM?
Ông Bùi Hải Thành: Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước, nên công tác đảm bảo lưới điện, vận hành ổn định, liên tục với độ tin cậy ngày càng cao thì việc ngầm hoá nâng cao chất lượng cung cấp điện.
Công tác ngầm hóa lưới điện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho TP.HCM như: Các tuyến phố lớn trở nên thông thoáng, không còn cảnh dây điện chằng chịt, tạo ấn tượng tốt với du khách và nâng cao hình ảnh thành phố;
Nguy cơ chập điện, cháy nổ hay sự cố do thời tiết được giảm đáng kể, đảm bảo an toàn cho người dân; Hệ thống cáp ngầm giúp giảm thiểu sự cố mất điện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của thành phố; Hạ tầng cáp ngầm tạo điều kiện cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ như giao thông thông minh, quản lý năng lượng và kết nối số.
Hiện, chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của TP.HCM ngang tầm với các thành phố tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Thi công ngầm hóa lưới điện trên đường Nguyễn Thới Trung, Quận 5 (TP HCM)
PV: Trong quá trình triển khai ngầm hóa, đặc biệt là giai đoạn đầu, ngành điện đã gặp phải những khó khăn và thách thức cụ thể nào về kỹ thuật, nguồn lực, hay sự phối hợp với các đơn vị liên quan?
Ông Bùi Hải Thành: TP.HCM là đô thị đặc biệt, kết cấu hạ tầng phức tạp. Công tác ngầm hoá sẽ xung đột với các hệ thống kỹ thuật ngầm hiện hữu. Tuy nhiên, quy hoạch không gian ngầm của Thành phố chưa có, nên trong quá trình thực hiện, chúng tôi phải tìm lại các tài liệu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ như hệ thống cấp, thoát nước và hạ tầng kỹ thuật khác để làm các thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không bị xung đột.
Khi ngầm hoá lưới điện phải bố trí các tủ điện, thiết bị điện để thay thế thiết bị đường dây trên không. Khi đặt thiết bị này trước mặt tiền của người dân, doanh nghiệp, việc tạo sự đồng thuận và không làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của họ đặt ra một số thách thức trong công tác vận động.
Tổng kinh phí cho các dự án ngầm hóa ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đòi hỏi sự huy động nguồn lực lớn từ ngân sách và doanh nghiệp.
PV: Thạnh An là xã đảo đầu tiên được ngầm hoá lưới điện. Việc ngầm hoá lưới điện ở xã đảo này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Bùi Hải Thành: Trước đây, người dân xã đảo Thạnh An chủ yếu phải sử dụng các nguồn điện nhỏ lẻ như máy phát điện diesel và hệ thống năng lượng mặt trời công suất thấp. Điều này dẫn đến tình trạng cung cấp điện không liên tục, chất lượng điện rất bấp bênh, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Nhận thấy sự khó khăn đó, EVNHCMC đã quyết tâm đầu tư xây dựng đường cáp trung thế 24kV dài hơn 6.000 mét, vượt biển để đưa điện lưới quốc gia đến với xã đảo.
Chúng tôi đã nỗ lực thi công và hoàn thành dự án đúng vào dịp 30/4/2024. Đến nay, hệ thống này đã vận hành ổn định được 10 năm, mang lại những thay đổi thực sự to lớn cho đời sống và sản xuất của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tiếp nối những thành quả đó, vào năm 2022, EVNHCMC tiếp tục đầu tư ngầm hóa lưới điện tại xã đảo. Đây là một dấu mốc quan trọng, đưa xã đảo trở thành địa phương đầu tiên được ngầm hóa toàn bộ lưới điện. Mục tiêu chính của việc này là nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện một cách bền vững, đặc biệt là giảm thiểu tối đa các sự cố do thời tiết khắc nghiệt gây ra trong mùa mưa bão.
PV: Thời gian tới, EVNHCMC sẽ mở rộng hệ thống lưới điện ngầm ở các khu vực trung tâm và khu đô thị mới như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Hải Thành: Nhìn về tương lai, TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hệ thống lưới điện ngầm, hướng tới ngầm hóa 100% lưới điện tại khu vực trung tâm và các khu đô thị mới vào năm 2030. Đồng thời, thành phố sẽ tích hợp hạ tầng ngầm với các dự án phát triển bền vững, như năng lượng tái tạo và hệ thống quản lý thông minh, để khẳng định vị thế là một đô thị hàng đầu khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!
Link gốc
Theo vovgiaothong.vn
Share