I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC
1. Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV đã và đang được tiến hành khẩn trương. Thời gian qua, công tác tuyên truyền đại hội đã bám sát yêu cầu, lộ trình, góp phần đắc lực phục vụ sự kiện chính trị trọng đại này, thể hiện ở một số kết quả sau:
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) tại Hướng dẫn số 176-HD/BTGTW, ngày 17/12/2024, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền đại hội. Công tác tuyên truyền về đại hội được chủ động triển khai tới cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; xây dựng quyết tâm và sự đồng thuận khi triển khai nghị quyết đi vào cuộc sống.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng; bối cảnh địa phương, đất nước diễn ra đại hội; những nội dung, nhiệm vụ trong các dự thảo văn kiện trình đại hội gắn với những chủ trương, quyết sách phát triển lớn của đất nước, nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 06 vùng chiến lược; những quyết sách mới, đột phá để đất nước tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác).
Công tác tuyên truyền đại hội đã bám sát các chủ đề lớn, trọng tâm theo nội dung Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW, ngày 23/9/2024 và Kế hoạch số 560-KH/BTGTW, ngày 29/11/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương để tạo niềm tin mới, khí thế mới, phản ánh những kết quả đạt được của địa phương, đất nước sau 40 năm đổi mới; tuyên truyền về vai trò và sứ mệnh, trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Kết quả triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; các giải pháp, định hướng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, rào cản về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, kế hoạch tăng trưởng 2 con số, tinh thần đổi mới của đại hội, những chủ trương, định hướng lớn về phát triển đất nước… được lan tỏa, làm sâu sắc (Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Lâm Đồng, Cần Thơ…).
Các bí thư cấp ủy, ban tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, các cơ quan báo chí đi đầu trong công tác tuyên truyền về đại hội đảng, đặc biệt thường xuyên cập nhật và phân tích sâu sắc nội dung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác tổ chức đại hội; phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhất là đồng chí Tổng Bí thư tại các cuộc làm việc với các Tiểu ban Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; chỉ đạo và hoạt động của các tiểu ban đại hội của bộ, ngành, địa phương…
Các hình thức tuyên truyền về đại hội được triển khai thiết thực, hiệu quả, sinh động. Nhiều hội nghị chuyên đề được tổ chức; nhiều chuyên trang, chuyên mục, ấn phẩm về đại hội đảng được mở. Diễn đàn trao đổi, thảo luận, đối thoại giữa lãnh đạo hoặc tổ chức đảng với các tầng lớp nhân dân về các nội dung trong dự thảo văn kiện được báo chí phản ánh, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật được triển khai áp dụng rộng rãi, tạo được hiệu ứng lan tỏa cao.
2. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 mở rộng (tháng 7/1954) xác định “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương” [1] Trước tình thế mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, đưa hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh; lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi chính thức thông qua chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt” với công thức: lực lượng ngụy Sài Gòn cộng vũ khí, trang bị và cố vấn Mỹ. Mỹ dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu người dân miền Nam vào các trại tập trung, “Ấp chiến lược”, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân.
Để đối phó với chiến lược mới của địch, ngày 31/01/1961, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị “về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 15/02/1961, các tổ chức vũ trang miền Nam đã thống nhất thành “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, các phong trào thi đua sôi nổi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” ở khắp các địa phương, các cấp, các ngành đã đưa cách mạng miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc, không ngừng tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, kết hợp ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và tay sai.
Trước những thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước sự thất bại hoàn toàn, đế quốc Mỹ phải ồ ạt đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước, Người khẳng định quyết tâm của Nhân dân ta “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” [2]. Ngày 17/7/1966, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Người khẳng định “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” [3]
Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm.
Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh theo thế có lợi cho ta.
Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa "đánh và đàm", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi cuối cùng.
Thắng lợi toàn Miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó đưa quân trở lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, quyết định tiến hành mở cuộc tiến công chiến lược nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng thời tiến hành giành lại chủ quyền trên các vùng biển, đảo và quần đảo phía Nam của Tổ quốc.
Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; hai chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt.
Cùng với giải phóng trên đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975.
Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Một sự kiện quan trọng diễn ra sau ngày miền Nam giải phóng là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Năng suất lao động liên tục tăng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc, định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách người có công, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, tạo cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước…
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để thực hiện sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
3. Kết quả phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Trong năm 2024, chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng, thể hiện qua một số kết quả sau:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản hơn; việc tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 nghị quyết, 09 quyết định, 06 chỉ thị, 06 công điện. Tổ chức 06 hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; 11 hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đề án 06, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sau mỗi cuộc họp đều có thêm những kết quả, sản phẩm mới, thêm quyết tâm, thêm kinh nghiệm để làm. Hoàn thành 44/63 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban. Hoàn thành và đang triển khai 244/276 nhiệm vụ năm 2024 của Đề án 06. Qua 03 năm triển khai Đề án 06 đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn - 346 nhiệm vụ.
Thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Trong năm 2024, Quốc hội đã ban hành Luật Dữ liệu; Chính phủ đã ban hành 14 nghị định. Các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 33 thông tư. Đã đơn giản hóa 898/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết của Chính phủ; trong đó năm 2024, đã đơn giản hóa 313 thủ tục. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp ICT có bước phát triển khá; theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%, trong đó công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh (năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%). Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam (Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ).
Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%). Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia (năm 2024 đã xử lý 5,5 tỷ hóa đơn, tăng gần 40%); thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (năm 2024 là 116.000 tỷ đồng, tăng 19,5%). Đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân. Hơn 2,5 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 78% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.
Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển. Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023. Ngày 19/12/2024, đưa thêm 1 tuyến cáp quang biển đi quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vào hoạt động, nâng năng lực truyền dẫn internet quốc tế của Việt Nam lên gấp đôi. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% căn cước gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng.
Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại (đã triển khai 54/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu). Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Tại Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 với 5 tăng tốc, bứt phá, đó là: Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo. Tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số, phải ưu tiên và xác định có trọng tâm, trọng điểm. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong kỷ nguyên số. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện với Chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn theo nguyên tắc lãnh đạo từ trên xuống, nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên.
Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
4. Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững
Trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao. Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2050. Thỏa thuận xanh châu Âu bao gồm các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể với các nội dung, chính sách, quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Các thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững nhiều tiềm năng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bền vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, tại Công điện số 17/CĐ-TTg ngày 20/02/2025, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
Tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm để có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm kê phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định xanh của Liên minh châu Âu.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên, nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo; các hóa chất xanh, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững. Xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái; thúc đẩy liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm,…trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU. Đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR, thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, chính sách xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ. Ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu, đánh giá các công cụ tài chính xanh của EU nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, thực hành sản xuất kinh doanh, thương mại và xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và quy định chính sách xanh, phát triển bền vững...
II. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân
Từ ngày 09 - 13/3/2025, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Thủ tướng Cộng hòa Singapore, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) Lawrence Wong, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia, 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore. Đây là chuyến thăm Indonesia, Ban Thư ký ASEAN và Singapore đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ với Indonesia; thông báo về tình hình mọi mặt của Việt Nam và cả đất nước đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn tin cậy chính trị giữa hai nước; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, sớm xây dựng Chương trình hành động để khai thác hiệu quả và nâng tầm hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng - an ninh; mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế, thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, phấn đấu sớm đạt 18 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng; khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư thuận lợi vào thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực mới [4]; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác số, kinh tế số, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới [5]; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, du lịch, kết nối hàng không. Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không tiến hành các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trên Biển Đông; nhất trí kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Đặc biệt, Lãnh đạo hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Việt Nam là Đối tác Chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia trong ASEAN.
Tại buổi gặp làm việc với Tổng thư ký ASEAN và Ủy ban Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của ASEAN trong 30 năm qua vì những mục tiêu lớn lao của ASEAN. Sau cuộc làm việc với Tổng thư ký ASEAN, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và có bài phát biểu chính sách quan trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam. Chia sẻ về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Trong đó xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu, Việt Nam sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các công việc chung của hiệp hội với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động.
Tại Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Lawrence Wong; hội kiến Tổng thống Tharma Shamugaratnam, Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng; tiếp Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Singapore Teo Chee Hean; gặp nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long; thăm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và có bài phát biểu chính sách mang tựa đề “Chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và cơ hội hợp tác Việt Nam - Singapore”…
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Singapore lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên cam kết tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác cùng có lợi, tin cậy chính trị, phối hợp giải quyết các thách thức chung hiện nay trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và thăm chính thức Cộng hòa Singapore đã thành công tốt đẹp, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra ở mức độ cao.
Việc nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia và Singapore đưa Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia và Singapore trong ASEAN, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, mở ra không gian hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Nhìn chung, dư luận khu vực và quốc tế đều đánh giá cao Chuyến thăm, khẳng định đây là bước tiến đáng kể trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước trong ASEAN, đồng thời cho thấy sự chủ động và sẵn sàng nâng cao vị thế của đất nước trong giai đoạn mới.
2. Tình hình thương mại toàn cầu thời gian gần đây
Những tháng đầu năm 2025, tình hình thương mại thế giới liên tục biến động do sự điều chỉnh chính sách thuế quan của một loạt các quốc gia nhằm đáp trả lại các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trump.
Ngày 10/3/2025, chính sách thuế quan của Trung Quốc với một loạt mặt hàng nông sản Mỹ chính thức có hiệu lực. Đây là biện pháp trả đũa mới nhất của Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan bổ sung 20% với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, thuế quan nông sản từ 10 - 15% của Trung Quốc được áp dụng với một loạt mặt hàng gồm ngũ cốc, bông, nông sản tươi, thịt gà và thịt bò... nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, ngày 08/3/2025, Trung Quốc đã áp thuế quan với một loạt nông sản nhập khẩu từ Canada, có hiệu lực từ ngày 20/3/2025 để trả đũa việc quốc gia Bắc Mỹ áp thuế quan với xe điện và nhôm thép Trung Quốc từ tháng 10/2024.
Ngày 11/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang đánh giá lại kế hoạch tăng gấp đôi thuế đối với thép và nhôm đối với Canada lên 50% sau động thái tích cực từ phía Canada. Động thái này được cho là sự hòa dịu sau khi tỉnh Ontario đã tuyên bố sẽ đình chỉ khoản phụ phí 25% đối với điện xuất khẩu sang Mỹ, được cho là tuyên bố trả đũa với việc áp thuế điện xuất khẩu sang Mỹ. Những tuyên bố căng thẳng giữa Mỹ và Canada gần đây đánh dấu sự leo thang mới nhất trong cạnh tranh thương mại giữa hai quốc gia láng giềng và đang có nguy cơ gây ra bất ổn tại thị trường chứng khoán của Mỹ. Chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sau khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế đối với thép, nhôm của Canada vào đầu ngày 11/3. Trong đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,45% lúc 14 giờ 53 chiều tại New York, trong khi chỉ số Dow Jones cũng đã giảm 0,4%.
Các nhà quan sát nhận định, những đòn đáp trả qua lại ngày càng căng thẳng của các bên đã nhấn mạnh tính chất “không có quy luật”, khó lường của nước Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump. Vào những ngày đầu sau nhậm chức, Tổng thống Donal Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa của Canada và Mexico, sau đó quyết định trì hoãn động thái này trong 1 tháng. Khi thuế quan với Canada có hiệu lực, chỉ vài ngày sau, Tổng thống Donal Trump lại tuyên bố miễn thuế cho các sản phẩm được bảo hộ theo Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sau khi thị trường sụt giảm và sự thúc giục của các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Donal Trump cảnh báo sẽ áp mức thuế quan cao hơn với Hàn Quốc và có thể yêu cầu Hàn Quốc trả nhiều tiền hơn cho lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng yêu cầu Hàn Quốc trả 5 tỷ USD cho việc chia sẻ chi phí quốc phòng, đe dọa sẽ rút quân nếu không đạt được thỏa thuận này. Ban đầu Hàn Quốc phản đối mức tăng này, nhưng cuối cùng đã đồng ý trả 1 tỷ USD theo thỏa thuận mới có hiệu lực từ năm 2026. Nếu việc này tiếp diễn tại nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donal Trump, trong bối cảnh tình hình khủng hoảng chính trị hiện tại, Hàn Quốc sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
3. Một số diễn biến tình hình Ukraine gần đây
Ngày 24/02/2025 đánh dấu tròn ba năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc chiến tiêu hao kéo dài đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Với những điều chỉnh trong chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump, tình hình tại Ukraine đang có những biến đổi sâu sắc.
Kể từ đầu năm 2024, cuộc xung đột tại Ukraine đã chuyển sang thế giằng co. Mặc dù Nga có dấu hiệu chiếm ưu thế nhưng vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn cục diện. Theo số liệu, quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong năm 2024, Nga mở rộng thêm được hơn 2000 km2, chiếm chưa đến 1% diện tích Ukraine. Đáng chú ý, quân đội Nga vẫn chưa giành lại được phần lãnh thổ tại Kursk mà Ukraine kiểm soát từ tháng 8/2024. Việc xung đột kéo dài đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Liên hợp quốc ước tính đã có hơn 11.700 người tử vong và hơn 24.600 người khác bị thương, cùng nhiều binh sĩ Nga, Ukraine tử trận hoặc bị thương trong xung đột. Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu ghi nhận trong cả năm 2024, quân đội Ukraine đã mất 593.410 binh sỹ trong chiến đấu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận con số thương vong của Ukraine trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm với Nga là hơn 45.000 người thiệt mạng và 390.000 người bị thương. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 29/01 thông báo trên Facebook rằng 834.670 quân nhân Nga đã bị thương vong ở Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/02/2022 đến ngày 29/01/2025.
Điều kiện để đàm phán hòa bình vấn đề Ukraine vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán là sự khác biệt về điều kiện giữa hai bên. Ukraine yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea, trong khi Nga lại yêu cầu Ukraine phải công nhận chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập và cam kết trung lập, không gia nhập NATO. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh công khai ủng hộ Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Trong đó, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người dân Ukraine ủng hộ đàm phán, mặc dù một bộ phận đáng kể phản đối nhượng bộ lãnh thổ.
Kể từ khi tái đắc cử, Tổng thống Trump liên tục đưa ra tín hiệu cải thiện quan hệ với Nga, từ việc xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt năng lượng đến từ chối đảm bảo an ninh cho Nga. Đồng thời, liên tục có những trao đổi, đàm phán với cả hai bên để thúc đẩy một giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine. Trong đó, nổi bật là cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin vào ngày 12/02. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ cử các nhóm bắt đầu đàm phán lập tức, khởi đầu bằng việc gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thông báo về cuộc điện đàm này.
Ngày 11/3/2025, tại cuộc đàm phán Ukraine - Mỹ tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) hai bên đã ra Tuyên bố chung. Theo văn bản đăng trên trang web của Tổng thống Ukraine, Nga khẳng định sẵn sàng chấp nhận đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày mà Mỹ đưa ra tại cuộc gặp. Theo đó, lệnh ngừng bắn này có thể được gia hạn theo thỏa thuận chung của các bên, với điều kiện phía Nga chấp nhận và thực hiện đồng thời. Hai bên nhất trí chỉ định các nhóm đàm phán và bắt đầu đàm phán để đạt được hòa bình bền vững. Mỹ cam kết thảo luận các đề xuất cụ thể này với đại diện của Nga. Phái đoàn Ukraine một lần nữa nhấn mạnh, các đối tác châu Âu phải tham gia vào tiến trình hòa bình. Cũng theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, tổng thống hai nước nhất trí sẽ ký kết sớm nhất có thể một thỏa thuận toàn diện về khai thác tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất của Ukraine nhằm củng cố nền kinh tế và đảm bảo thịnh vượng và an ninh lâu dài cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ cũng thông báo sẽ nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine mà trước đó đã đình lại sau một tranh cãi căng thẳng và công khai giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 28/02/2025.
Tuy nhiên, vài giờ sau cuộc đàm phàn, Nga đã triển khai cuộc không kích để đáp trả cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine vào Moskva (Nga) đêm ngày 11/3. Đánh giá động cơ cuộc tấn công của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, hiện vẫn chưa có cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine nên không thể nói đến việc cản trở đàm phán. Cũng theo ông Peskov, xu hướng đàm phán giữa hai bên có thể bị ảnh hưởng đáng kể.
III. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ
1. Ngày 17/3, Tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thường kỳ Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ EVN, Trưởng ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy EVN chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã thông tin về một số văn bản mới của Trung ương về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới: Kế hoạch số 23-KH/TW ngày 11/10/2024 của Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 89-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Kết luận 89-KL/TW); Hướng dẫn số 03-HD/BCĐTW ngày 28/10/2024 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận 89-KL/TW; Hướng dẫn số 04-HD/BCĐTW ngày 04/11/2024 về thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương.
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo đã thông tin về tình hình hoạt động tại đơn vị. Hội nghị cũng đã thảo luận về việc kiện toàn Ban chỉ đạo theo hướng dẫn số 04-HD/ BCĐTW ngày 4/11/2024 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW và Kết luận số 89-KL/TW tại Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong tình hình mới. Hội nghị đã thông qua Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo; kế hoạch triển khai Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 89-KL/TW của Bộ Chính trị.
2. Ngày 18/3, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng chí Đặng Hoàng An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy EVN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế này gắn với nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh của EVN. Việc triển khai Quy chế không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, tạo môi trường làm việc minh bạch, ổn định. Năm qua, công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo, giám sát thực thi và công khai thông tin đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn những hạn chế trong tiếp cận thông tin, giải quyết kiến nghị. Đồng chí Đặng Hoàng An yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng đối thoại, tăng cường giám sát, tránh triển khai hình thức. Việc thực hiện dân chủ phải đi vào thực chất, gắn với phát triển bền vững của EVN, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong toàn hệ thống.
3. Chiều ngày 19/3, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Hội nghị lắng nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2024 của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn tóm tắt một số ý kiến đóng góp nổi bật vào dự thảo Chương trình công tác năm 2025. Đồng thời chỉ đạo từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần thực hiện tốt các quy định của Quy chế và các nhiệm vụ theo phân công; bám sát Kế hoạch năm 2025 để tổ chức, triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các đơn vị trong EVN cần chú trọng tìm nguồn cung cấp vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất trong nước để sử dụng phù hợp với hoạt động đầu tư phát triển của EVN, đảm bảo hoàn thành tốt cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ổn định sản xuất - kinh doanh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu phát triển sản xuất để cho ra đời các mặt hàng có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hưởng ứng cuộc vận động. Khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động EVN tận dụng các nguyên vật liệu trong nước để sản xuất kinh doanh. Tăng cường hợp tác, chia sẻ với các tập đoàn, doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng, phát triển viễn thông và công nghệ thông tin.
4. Sáng 25/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo của Đảng ủy EVN về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là Ban Chỉ đạo của Đảng ủy EVN) và Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo của EVN) đã tổ chức họp lần thứ nhất. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Đồng chủ trì hội nghị đồng chí Đặng Hoàng An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo của Đảng ủy EVN và đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo của EVN.
Các ban chỉ đạo được kiện toàn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57) và Chương trình hành động số 40-CTr/ĐU ngày 24/02/2025 của Đảng ủy EVN về thực hiện Nghị quyết số 57.
Tại phiên họp, đồng chí Trịnh Mai Phương - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông EVN, Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo của Đảng ủy EVN đã trình bày các nội dung cơ bản của Chương trình hành động số 40-CTr/ĐU.
Cũng trong phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN, Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo của EVN đã trình bày dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của EVN.
Dịp này, lãnh đạo các tổng công ty trong EVN cũng đã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại đơn vị và định hướng trong thời gian tới. Đồng thời, nêu các đề xuất, kiến nghị cần Ban Chỉ đạo của Tập đoàn tháo gỡ.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết Tập đoàn thành lập 2 Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhằm triển khai bài bản, đồng bộ, hạn chế những bất cập, tránh lãng phí.
Lãnh đạo Tập đoàn cũng nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả công tác này cần đặt mục tiêu rõ ràng, chỉ tiêu cụ thể, chia theo từng lĩnh vực và triển khai đồng bộ. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là thay đổi phương thức hoạt động và phương thức quản trị doanh nghiệp để tạo ra những đột phá. Bên cạnh đó, cần quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới. EVN sẽ kết hợp và kế thừa những nhiệm vụ đã làm, tránh lãng phí tài nguyên, lựa chọn những nền tảng có thể dùng chung được để chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN yêu cầu người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, đưa ra mục tiêu cụ thể về thời gian và cần kiểm soát đong đếm được những thay đổi, tăng năng suất lao động từ việc nâng cao hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trưởng Ban Chỉ đạo của Đảng ủy EVN cũng yêu cầu 2 Ban chỉ đạo cần tháo gỡ những rào cản để các đơn vị có thể chủ động hơn trong việc triển khai.
5. Chiều ngày 25/3 tại trụ sở Tập đoàn, Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi làm việc với Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên EVN.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở EVN (Hà Nội), kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tổ chức đoàn thuộc Đoàn Thanh niên EVN.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN nhận định hoạt động công tác đoàn thời gian qua diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng Đoàn Thanh niên EVN đã nỗ lực triển khai liên tục, có hiệu quả nhiều hoạt động như: tuyên truyền tiết kiệm điện, tham gia triển khai các công trình xây dựng, hoạt động bảo vệ môi trường, phong trào thi đua lao động sáng tạo trẻ,…
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN đã chỉ ra một số nội dung mà Đoàn Thanh niên EVN cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trước hết, phải kiện toàn nhân sự Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên EVN.
Đối với công tác giáo dục chính trị, đồng chí Đặng Hoàng An yêu cầu tuổi trẻ Tập đoàn phải quán triệt sâu sắc nội dung bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đoàn viên thanh niên EVN phải ý thức về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong thời đại mới, không ngừng ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện.
Đồng chí cũng chỉ đạo thanh niên Tập đoàn cần tích cực học tập, thể hiện sức trẻ, tinh thần trách nhiệm tham gia triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng Chương trình hành động số 40 của Đảng ủy EVN thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Đoàn Thanh niên EVN cũng cần mở rộng kết nối với Đoàn Thanh niên các đơn vị ngoài ngành, với các doanh nghiệp khác, xây dựng hệ thống liên kết mạnh mẽ, phối hợp triển khai các hoạt động bồi dưỡng lòng yêu nước, chung sức phấn đấu phụng sự Tổ quốc.
6. Ngày 27/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ 21. Đồng chí Đặng Hoàng An, Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành đã nghe báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy về kết quả lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.
Kể từ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn lần thứ 20 đến nay, Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn đã thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn, các tổ chức Đảng, đoàn thể tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ban, ngành… bám sát Nghị quyết, Chương trình công tác năm 2025, thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện trong các tháng đầu năm 2025 và xây dựng các phương án, kịch bản cung cấp điện cho các tháng cao điểm hè năm 2025; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm; cân bằng tài chính; chỉ đạo triển khai định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của EVN và các đơn vị thành viên; chỉ đạo 2 tổ chức đảng tổ chức thành công đại hội điểm cấp cơ sở và chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp...
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ EVN đã cũng đã cho ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo của Đảng ủy về kết quả công tác quý I, nhiệm vụ công tác quý II năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
IV. TIN THAM KHẢO
1. Ngày 16/3, tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện 1 tổ chức lễ khởi công và phát động phong trào thi đua xây dựng Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên là Dự án trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 1 là đại diện Chủ đầu tư. Đây là công trình đường dây 500kV mạch kép có tổng chiều dài 229,5km, với tổng cộng 468 vị trí móng cột điện. Dự án đi qua địa phận 04 tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, với điểm đầu là trạm 500kV Lào Cai, điểm cuối là trạm 500kV Vĩnh Yên. Tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 7.410 tỷ đồng được thu xếp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 80% và vốn đối ứng của EVN là 20%. Tới dự buổi Lễ có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Báo cáo về tình hình triển khai Dự án tại Lễ khởi công, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, EVN đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, các Sở Ban ngành của các tỉnh; Huyện uỷ, UBND 12 huyện trên địa bàn 4 tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong vùng Dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ cho Ban QLDA Điện 1 và các nhà thầu thực hiện quản lý dự án, tổ chức thi công đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, môi trường, tập trung nguồn lực và thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.
2. EVN và các đơn vị tích cực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2025
Hưởng ứng tích cực Chiến dịch Giờ Trái đất, EVN tận dụng sức mạnh lan tỏa của internet, chuyển đổi số và mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đăng tải nội dung hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2025 trên các kênh truyền thông số như website, Zalo, Facebook, TikTok, YouTube… với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như infographic, hình ảnh, video clip, nhằm thu hút sự quan tâm và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Tập đoàn cũng yêu cầu các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở đơn vị. Đồng thời, vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng hưởng ứng chiến dịch bằng cách tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong khoảng thời gian từ 20h30 đến 21h30, thứ Bảy, ngày 22/3/2025.
Sau nhiều năm tích cực hưởng ứng tham gia, chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước, trở thành một hoạt động thường niên ý nghĩa diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Từ công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, đến nay, chiến dịch đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi ý thức thành hành động cụ thể, khuyến khích cộng đồng thực hành tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường.
V. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY CHÍNH PHỦ VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN
1. Ngày 17/03/2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 282 - NQ/ĐU về lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư các công trình trọng điểm năm 2025. Chi tiết Nghị quyết tại đây (1).
2. Ngày 19/03/2025, Đảng ủy Chính phủ đã ban hành công văn số 114 - CV/ĐU về việc hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm, năm 2025. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành công văn số 2299-CV/ĐU, ngày 26/03/2025 để triển khai. Chi tiết Công văn triển khai tại đây (2).
3. Ngày 20/03/2025, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/ĐU về Thực hiện một số nội dung trọng tâm công tác tuyên giáo và dân vận năm 2025. Chi tiết Kế hoạch tại đây (3).
4. Ngày 21/03/2025, Đảng ủy Chính phủ ban hành Kế hoạch số 02-KH/ĐU về tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Kế hoạch số 02). Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công văn số 2304-CV/ĐU ngày 28/03/2025 về việc triển khai Kế hoạch số 02. Chi tiết Công văn tại đây (4).
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, HN 2001, T15, tr225.
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14 (1963-1965), tr 577.
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 15 (1966-1969), tr 131.
[4] Kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện, thương mại điện tử, giao hàng thông minh, thanh toán số, thiết kế và gia công phần mềm cho các nhà máy sản xuất, xây dựng giải pháp công nghệ mới dựa trên công nghệ AI, các sản phẩm halal.
[5] Kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đối số…
Xem file Tại đây
Ban Truyền thông EVN
Share