Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hội nhập với thế giới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là:
1. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ trọn niềm tin và vững bước trên con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn
Từ khi tìm ra chân lý của cách mạng vô sản, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Độc lập dân tộc và CNXH là tư tưởng lớn, là mục tiêu hướng tới suốt hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người. Mục tiêu đó đã được xác định ngay trong các văn kiện đầu tiên Đảng; được khẳng định là sự lựa chọn đúng đắn qua các giai đoạn lịch sử vì đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Và trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả dân tộc.
Ngày nay, trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới đất nước; kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
2. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đảng cầm quyền”; nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự "là đạo đức là văn minh"
Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình quá trình lịch sử ra đời và phát triển 95 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cả Trung ương và cấp tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của Đất nước.
3. Nắm vững tư tưởng “thượng tôn pháp luật”; thực hành quan điểm "nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước
Những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: Nhà nước pháp quyền do dân là chủ và dân làm chủ; có “thần linh pháp quyền”, “thượng tôn pháp luật.; “liêm khiết”, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc rộng rãi …
Tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của nhân dân trong lịch sử có có vị trí đặc biệt quan trọng, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Để chuẩn bị cho một bộ máy lãnh đạo có đủ năng lực lãnh đạo đất nước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”; cuộc cách mạng thực hiện tinh gọn bộ máy chính trị hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả đang được tiến hành mạnh mẽ, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
4. Thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số
Những thành quả của gần 80 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đã mang lại cuộc sống đầy đủ ấm no cho các tầng lớp nhân dân. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Thời gian gần đây nhiều chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân như về miễn giảm học phí, chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà xã hội... đang được triển khai mạnh mẽ. Thực hiện di huấn của Người “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” [1], đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được từng bước nâng cao. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện ước nguyện của Người về một quốc gia giàu mạnh, “sánh vai các quốc năm châu”, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;… Chủ động dự báo và có phương án ứng phó với các yếu tố đột xuất, bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang hoặc một số điều kiện quốc tế khác về tài chính, kinh tế, thương mại...
5. Phát triển vận dụng tư tưởng của Hồ chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh hợp tác quốc tế sâu rộng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu", được tổ chức bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh nhân dân…; được hình thành trên cơ sở tiếp thu nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; đồng thời là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống toàn dân đánh giặc “trăm họ là binh” của dân tộc ta. Tư tưởng của Người đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo đề ra những giải pháp chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng và tiếp tục phát huy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước cách mạng, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
6. Học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống lãng phí
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vạch ra tính chất nguy hại của lãng phí, nguyên nhân sinh ra lãng phí và cách phòng chống lãng phí. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì:
Thứ nhất, lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bữa bãi; lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Người nhiều lần nhấn mạnh: tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. "Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”. Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiến của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, lãng phí do ta sinh ra nhưng lại gây tác hại không nhỏ đối với chúng ta. Người cho rằng, lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân.
Thứ ba, lãng phí có nhiều nguyên nhân. Đó là, hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc,vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc, vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là "vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”
Thứ tư, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp. Theo Người, để chống lãng phí, mỗi người "Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với lãng phí.
Hồ Chí Minh còn coi tiết kiệm là biện pháp quan trọng để tích lũy vốn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chỉ có đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì đất nước mới phát triển ổn định, nhân dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và giải pháp để phòng chống lãng phí. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trung ương, Bộ chính trị đã có nhiều chủ trương lớn về phòng chống lãng phí. Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí.
Tuy nhiên, cho đến nay, cùng với tham nhũng thì lãng phí vẫn chưa được chống triệt để, mà nhiều nơi nhiều lúc còn có tính phổ biến. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Trong bài phát biểu của mình, Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các giải pháp cần thiết để phòng, chống lãng phí. Đó là:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”…
Thứ hai, rà soát sửa đổi bổ sung, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phòng chống lãng phí; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…; có các hình thức khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có giải pháp làm lợi cho Nhà nước.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: (i) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. (ii) Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. (iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hoá quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. (iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới…
Thứ tư, xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”…Chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa.
Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là thời điểm để định hình tương lai, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, làm giàu cho đất nước. Do đó, những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”, thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11/1946.
Xem file Tại đây
Ban Truyền Thông EVN
Share