Vũ Hội là một trong những xã có tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ thuộc tốp đầu của huyện Vũ Thư. Đây cũng là địa phương nổi tiếng với nghề truyền thống sản xuất bánh bún và tái chế kim loại. Nghề và làng nghề thực sự là sinh kế, con đường làm giàu của nhiều hộ gia đình, tuy nhiên cũng như nhiều làng nghề khác, câu chuyện ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nhức nhối.
Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết: Trước đây, cả xã có hàng trăm hộ sản xuất bánh bún với quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Do chủ yếu làm thủ công, năng suất lao động thấp và việc xử lý chất thải, nước thải không được thực hiện khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Song mấy năm gần đây, nhiều hộ ở làng nghề đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất, vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Làng nghề xã Vũ Hội hiện có hơn 20 hộ còn làm nghề sản xuất bánh bún. Các hộ này đều đầu tư máy móc và sản xuất với sản lượng từ 1 – 2 tấn bún, bánh phở/ngày.
Ông Mai Văn Tuyến, thôn Phú Thứ, xã Vũ Hội chia sẻ: Để mở rộng quy mô sản xuất, gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng mua sắm, lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ sản xuất từ khâu xay bột, tráng bánh đến thái sợi theo quy trình khép kín bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có máy móc sản xuất giúp gia đình nâng cao sản lượng, hạ giá thành sản phẩm và mở rộng thêm thị trường. Tuy nhiên, các máy móc đều sử dụng điện nên chi phí tiền điện cũng cao. Bản thân chưa biết làm thế nào để tiết giảm, chính vì vậy, khi có lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng do Sở Công Thương tổ chức tại xã, tôi đăng ký tham gia với hy vọng sẽ phát huy hiệu quả máy móc và giảm chi phí sản xuất.
Không riêng ông Tuyến, hàng trăm hộ dân làng nghề xã Vũ Hội đều có nhu cầu tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đặc biệt, các hộ sản xuất mong muốn tìm hiểu quy trình sản xuất sạch hơn như thế nào để áp dụng với hy vọng sẽ giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hạn chế tối đa các chất thải, nước thải xả ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Năng An cho biết: Phần lớn các hộ sản xuất trong làng nghề chủ yếu quen làm thủ công, mặc dù nay đã đầu tư máy móc hiện đại nhưng vẫn thiếu kiến thức và chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Được Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn kỹ năng, kiến thức thực hành quy trình sản xuất, sạch hơn và tiết kiệm năng lượng không những giúp chúng tôi phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí mà còn khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nhờ hạn chế phát sinh rác thải, nước thải.
Những năm gần đây, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ của xã Vũ Hội phát triển mạnh mẽ; giá trị sản xuất năm 2023 đạt gần 600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,2%.
Chủ tịch UBND xã Vũ Hội, Mai Văn Quân cho biết thêm: Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương trong những năm tới còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ có cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự phát triển đó, nhu cầu năng lượng sẽ tăng cao, vì vậy việc người dân, doanh nghiệp có ý thức và biết thực hành sử dụng tiết kiệm điện và sản xuất sạch hơn sẽ góp phần bảo đảm ổn định nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường tạo sự phát triển bền vững của địa phương.
Link gốc
Theo Baothaibinh
Share