Theo chân “lính” truyền tải điện trên cao nguyên đá

10:36, 10/02/2019

Ở Hà Giang, đường dây truyền tải điện chủ yếu nằm trong rừng sâu, cách xa các tuyến đường giao thông chính. Vì vậy, việc quản lý, vận hành, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn. Theo chân những người lính truyền tải điện Hà Giang trong những ngày cuối năm, tôi mới mới thấm thía những vất vả, hiểm nguy mà họ phải đối mặt...

Gian nan lên tuyến

Mới 5h sáng, trời vẫn tối om và rét căm căm, những người lính Đội Truyền tải điện Hà Giang (Công ty Truyền tải điện 1) đã chuẩn bị lên tuyến. Lực lượng công nhân ở đây đa phần còn rất trẻ, phần lớn đến từ các tỉnh miền xuôi. Không ít người đã lấy vợ ở Hà Giang và quyết tâm gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là cột số 7, thuộc tuyến đường dây 220 kV Thanh Thủy - Hà Giang nằm trên địa bàn xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên. Đây là vị trí được xem là “nhàn nhã và thuận lợi” đối với người lính truyền tải, vì gần khu dân cư và cách quốc lộ không xa. Thế nhưng, chúng tôi cũng phải mất hơn 30 phút leo núi, vượt những cung đường dốc. 

Cầm theo các dụng cụ cần thiết phục vụ kiểm tra tuyến, anh Nguyễn Như Quỳnh – Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hà Giang chia sẻ: Tuyến đường dây này truyền tải điện từ Trung Quốc về Việt Nam, điểm xuất phát từ cửa khẩu Thanh Thủy. Ngoài khó khăn về địa hình, đồi núi, sông suối chia cắt, đây còn là tuyến có bom mìn sót lại sau chiến tranh, nguy cơ tai nạn là rất lớn. Vì vậy, mỗi khi lên tuyến, công nhân phải đi theo đường mòn đã mở, tránh va phải bom mìn.

 “Bom, mìn, anh em có thể tránh được, nhưng rắn, muỗi, vắt, ong và các côn trùng khác ở khu vực rừng núi này thì không ai thoát. Vì vậy, sau vài năm đi tuyến, những sinh viên trắng trẻo lúc mới ra trường đã trở nên trưởng thành, rắn rỏi và “lưu giữ” nhiều dấu vết của muỗi, vắt trên người”, anh Quỳnh cười nói.

Chỉ tay về cột số 8, anh Quỳnh cho biết, nhìn từ vị trí cột số 7 tưởng rất gần, nhưng sang vị trí đó, phải đi xuống núi, ra quốc lộ, sau đó đi lên từ một quả núi khác, mất gần 2h đi xe và đi bộ mới đến được. Đoạn này còn gần và đường bằng phẳng dễ đi, nhiều chỗ, để vào được cột, anh em phải đi xa, mất gần 3h đồng hồ đi bộ, leo núi. Có ngày, công nhân phải đến 3-4 vị trí cột.

Kiểm tra bảo dưỡng lưới điện

“Giữ điện” giữa rừng sâu

Đội truyền tải điện Hà Giang quản lý 04 công trình đường dây với 107km, 252 vị trí cột đi qua các huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và Bắc Mê. Đường dây đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp, nơi sinh sống của dân tộc ít người. Nhiều vị trí đường dây nằm trên đồi cao, cách xa trụ sở của Đội đến 100 km, đường đi lại hiểm trở, nhiều vị trí cột phải vượt sông, suối.

Anh thợ trẻ Phan Xuân Trường mới 28 tuổi, thuộc Đội Truyền tải điện Hà Giang đã có 5 năm làm việc. Dù sinh ra ở Hà Giang, nhưng khi nói về những cung đường nơi đây, anh Trường cũng e ngại. “Đường vào các vị trí cột đoạn nào đi xe cơ giới được thì cua tay áo nhiều, những đoạn đi bộ thì dốc núi cao, muỗi vắt nhiều lắm”.

Theo anh Trường, công việc rất nặng nhọc, sáng sớm đã phải lên tuyến, ngoài các thiết bị, dụng cụ, đồ nghề, mỗi khi lên các vị trí xa khu dân cư, thợ điện đều phải mang theo đồ ăn. Công việc luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ và cần có sức  khỏe tốt vì phải trèo cao rất nguy hiểm, người yếu không thể chịu nổi. Đặc biệt, các vị trí cột số 16, 108, có nằm trên đồi núi cao, đường trơn trượt, nhiều công nhân đã bị ngã khi lên tuyến này. Có những đoạn đường, khi gặp mưa, đường lầy lội, anh em phải xuống đẩy xe, mất 3-4 tiếng đồng hồ mới đến được vị trí cột.

Đội truyền tải điện Hà Giang chỉ có 10 người, mỗi tháng ít nhất phải một lần đi kiểm tra 252 vị trí cột và hệ thống đường dây truyền tải điện dài hàng trăm cây số. Nhiều sự cố do thiên tai, bảo lũ gây ra không ai thể lường trước được. Mùa mưa bão, Đội phải thường xuyên phải thay nhau đi kiểm tra, sửa chữa. Những năm trước, cứ vào mùa mưa, công nhân thường phải xử lý nhiều sự cố do sét đánh. 2 năm trở lại đây, nhờ có hệ thống chống sét tốt hơn, sự cố sét đánh vỡ sứ đã giảm nhiều.

Cuối năm 2017, Truyền tải điện Đông Bắc 3, PTC1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trụ sở làm việc và dãy nhà ở cho công nhân, kịp thời khuyến khích, động viên  người lao động gắn bó lâu dài với Đội. Chia sẻ về những khó khăn, thử thách của người lính truyền tải điện Hà Giang, anh Nguyễn Tín Hiệu - Trạm trưởng TBA 220 kV Hà Giang cho biết: “Hiện Trạm đang quản lý 2 tuyến đường dây, tuyến Thanh Thủy - Hà Giang - Thái Nguyên (mạch 2 mua điện từ Trung Quốc) và tuyến Hà Giang - Thái Nguyên (mạch 1) phục vụ truyền tải nội bộ, truyền tải điện năng cho các phụ tải từ các nhà máy thủy điện ở Hà Giang đi Thái Nguyên và hòa vào lưới điện quốc gia. TBA 220 kV có 2 thanh cái là 2 lưới điện vận hành độc lập và song song với nhau, một thanh cái cho đường dây nội bộ và một thanh cái cho đường dây mua điện từ Trung Quốc, không hòa đồng bộ như tại các TBA 220 kV khác. Đây là khó khăn điển hình của Trạm về quản lý vận hành. Do đó, chúng tôi luôn phải nâng cao ý thức, trách nhiệm và tuân thủ nghiêm quy trình quản lý, vận hành kỹ thuật tại Trạm”.

Tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện tại dân cư

Giúp đỡ người dân địa phương 

Nằm dọc trên tuyến hành lang lưới điện 220 kV từ Thanh Thủy - Hà Giang - Bắc Mê là những địa bàn phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống, không nói được tiếng phổ thông (tiếng Kinh). Việc giao tiếp với người dân địa phương là một trong những khó khăn của những người lính truyền tải điện, đặc biệt là khi đến bản tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Cũng theo anh Phan Xuân Trường: “Do bất đồng ngôn ngữ, nên khi tiến hành tuyên truyền cho người dân về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, chúng tôi thường phải nhờ cán bộ phụ nữ, trưởng thôn, trưởng bản… làm phiên dịch, hỗ trợ tuyên truyền”. Với phương châm, mỗi công nhân là một tuyên truyền viên, mỗi người dân trên tuyến là một bảo vệ, Đội Truyền tải điện Hà Giang thường xuyên tới từng gia đình, từng thôn bản, tuyên truyền, giới thiệu về công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, nhờ đó đã tạo dựng được mạng lưới bảo vệ vững chắc lưới điện từ cơ sở.

Trên các cột điện đều ghi lại số điện thoại của Đội truyền tải điện Hà Giang và Truyền tải điện Đông Bắc 3. Khi xảy ra sự cố, người dân dễ dàng gọi điện thông báo ngay cho Ban quản lý, nhờ đó, sự cố sớm được khắc phục, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia.

Chị Vàng Thị Dí - xóm Hà Sơn, xã Giang Nam, Vị Xuyên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được các anh trong Đội truyền tải tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Các anh cũng phát cho chúng tôi các tờ rơi, nhắc nhở những việc không nên làm ở khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, hướng dẫn cách phát hiện ở đâu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, kịp thời báo cho Đội truyền tải biết để có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, khi lên tuyến, nếu thời gian cho phép, công nhân truyền tải đều tranh thủ gặp gỡ với dân bản, trò chuyện, nghỉ ngơi và hướng dẫn dân bản cách phòng chống tai nạn, rủi ro, hoặc chỉnh trang lại đường điện trong gia đình. Dân bản rất yêu quý anh em trong Đội truyền tải”.

Chia tay Hà Giang, chia tay cao nguyên đá đẹp rực rỡ và cũng vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi sẽ mãi nhớ tinh thần làm việc quên mình của những người thợ truyền tải, cũng như tình cảm gần gũi, ấm áp của người dân địa phương. Tình cảm đồng nghiệp tương hỗ và sự gắn bó với người dân địa phương cùng chính là niềm vui lớn, là động lực để họ tiếp tục vượt qua nhiều gian nan, thực hiện tốt sứ mệnh giữ điện giữa núi rừng biên cương. 


Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share