Trữ lượng cát sỏi chỉ đáp ứng 70% nhu cầu
Tại hội thảo khoa học “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, tình trạng thiếu cát sỏi trong công tác xây dựng, nhất là dành cho san lấp dự án giao thông đã được đặt ra. Ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 8 dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463 km chạy qua 10 tỉnh.
Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, khoảng 53,7 triệu m3 cát san lấp nền. Bên cạnh đó, nhu cầu cát san lấp nền của các dự án năm 2023 khoảng 16,78 triệu m3, năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm cát đắp nền cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay các bộ, ngành đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, nhưng trữ lượng cát san lấp nền đường chỉ khoảng 37 triệu m3, đáp ứng 70% nhu cầu của 8 dự án cao tốc trong vùng.
Tuy nhiên, hiện lượng cát đổ về 2 nhánh chính của sông Tiền, sông Hậu hiện nay chỉ đáp ứng 10% nhu cầu khai thác và nguồn cát tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt.
Sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp đã có bước tiến khả thi
Trước tình trạng thiếu cát sỏi trên, có ba phương án thay thế được Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đề xuất. Một là sử dụng cát biển làm cát san lấp; hai là sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp và nền đường ô tô; ba là sử dụng giải pháp đường trên cao bằng bê tông cốt thép.
Riêng về phương án xử dụng tro xỉ nhiệt điện, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, nhìn chung chất lượng các loại vật liệu đầu vào không đồng đều tùy thuộc vào công nghệ, nguồn... Hiện nguồn cung về tro, xỉ nhiệt điện tại Việt Nam là rất lớn, tới từ 30 nhà máy nhiệt điện, mỗi năm có khoảng 16 triệu tấn. Hành lang pháp lý và kỹ thuật để sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp đã được hoàn thiện, ban hành, bao gồm các Nghị định, Thông tư và hệ thống tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật.
Các nhà máy nhiệt điện hiện cũng đang tích cực hỗ trợ cho các đơn vị xử lý, tiêu thụ để bù đắp chi phí vận chuyển tro xỉ đến các công trình xây dựng giao thông có vị trí không quá xa so với nơi phát thải để thay vật liệu san nền là cát sông. Cùng với các giải pháp kỹ thuật hợp lý, việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, nền đường ô tô tại các khu vực gần nguồn tro xỉ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật so với việc sử dụng vật liệu san lấp truyền thống đang càng ngày càng khan hiếm.
Hiện nguồn cung tro, xỉ nhiệt điện tại Việt Nam là rất lớn, tới từ 30 nhà máy nhiệt điện, mỗi năm có khoảng 16 triệu tấn
|
Bộ Xây dựng cho biết, việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, sản xuất thép và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng là phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại các Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại khoản 2, Điều 65, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường quy định:
"Tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải rắn công nghiệp thông thường khác đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng do cơ quan có thẩm quyền ban hành được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
Trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có văn bản đề nghị hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ lò đốt cho mục đích san lấp. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trường hợp tro, xỉ phát thải từ hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đã được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường (theo kết quả giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường) nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật tại TCVN 12249: 2018 Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung thì có thể sử dụng làm vật liệu san lấp.
Đồng thời, việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp được thực hiện theo Chỉ dẫn kỹ thuật "Sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp" được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019. Theo Bộ Xây dựng, ngoài ra tro, xỉ của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có thể sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất các loại vật liệu xây nung và không nung.
Cuối năm 2022, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV (Công ty Thuận Hòa TV) vừa chính thức khai thác bãi tro xỉ 1 triệu m3 để đưa đi san lấp công trình trên địa bàn. Trước đó, doanh nghiệp này đã trúng đấu giá 1 triệu m3 tro xỉ với giá trị tiết lộ hơn 17 tỉ đồng để làm vật liệu san lấp thay thế cát.
So sánh với cát san lấp, ông Trần Phước Lợi, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV cho biết, giá tro xỉ tại bãi thấp nhưng chi phí vận chuyển lại tốn kém hơn. “Cụ thể, cát có thể bơm lên công trình, còn tro xỉ cần sử dụng cơ giới nhiều và qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, theo tôi, cát sông khai thác riết rồi sẽ cạn kiệt. Cho nên chúng tôi sẽ tập trung thực hiện công trình một cách an toàn, chất lượng để chứng minh cho người ta thấy tro xỉ thực sự rất tốt khi thay thế cát san lấp”.
Hiện doanh nghiệp này cũng đang thương thảo cung cấp tro xỉ san lấp với một số đối tác khác ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lợi cũng cho biết, qua khảo sát nhiều nơi và đi thực tế tại nhiều công trình cho thấy chất lượng san lấp mặt bằng (đường giao thông, công trình dân dụng, công nghiệp...) từ tro, xỉ không hề thua kém so với san lấp bằng cát. Đặc biệt, mỗi khối tro, xỉ khi san lấp có giá chỉ bằng 2/3 khối cát.
Ông Lợi cũng kiến nghị để việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp một cách phổ biến, ngoài tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tro, xỉ cũng là một vật liệu san lấp thông thường, trong hồ sơ thiết kế ban đầu nên đưa tro, xỉ vào làm vật liệu san lấp có thể thay thế cát bởi nếu hồ sơ chỉ ghi nội dung là "cát" thì không thể sử dụng tro, xỉ được.
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share