Tham dự đoàn làm việc có ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận, đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng và UBND huyện Tuy Phong.
Đoàn đã kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: kiểm tra cảng nhập than, kho than, ghi nhận các thông số giám sát nước thải, khí thải của các nhà máy; bãi xỉ… Đoàn cũng đến thăm và ghi nhận phản ánh tình hình môi trường từ người dân sinh sống tại khu vực xóm 7, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, bên cạnh TTĐL Vĩnh Tân.
Tại chương trình làm việc, đại diện các đơn vị trong TTĐL Vĩnh Tân đã báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác bảo vệ môi trường, các giải pháp thực hiện và các kiến nghị để hỗ trợ đảm bảo công tác sản xuất điện, nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện đề án tiêu thụ tro xỉ.
Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đứng giữa, hàng đầu) kiểm tra thực tế tại bãi xỉ Vĩnh Tân 2, 4; ngày 25/6
|
Đến nay, 3 nhà máy đã tập trung đầu tư đồng bộ cho công tác bảo vệ môi trường; lắp đặt bổ sung thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động; đầu tư các hệ thống xử lý khí thải, duy trì vận hành bảo đảm quy chuẩn Việt Nam; tưới nước, phun sương kho than. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lấp. Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than tại TTĐL Vĩnh Tân đã được hợp chuẩn, hợp quy tương ứng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên vật liệu xây dựng; ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ, thạch cao ngắn hạn, dài hạn với các đối tác. Các đơn vị trồng hơn 50.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy, góp phần che chắn bụi.
Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất luôn được các đơn vị xem là nhiệm vụ hàng đầu. Trong nhiều năm qua, các nhà máy lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục, các hệ thống này làm việc 24/24h và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên mời các đoàn chính quyền, người dân địa phương vào giám sát trong nhà máy, các khu vực bãi thải xỉ, kênh nước làm mát, cảng than... và nhận được sự phản hồi tích cực của các đoàn về sự nỗ lực của các đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Toàn cảnh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
|
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các nhà máy tại TTĐL Vĩnh Tân trong việc sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, gắn với đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ... đã đạt được những kết quả nhất định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, về lâu dài, TTĐL Vĩnh Tân phải đảm bảo các giải pháp căn cơ, đồng bộ để việc bảo vệ môi trường, xử lý tro xỉ đồng bộ. Cụ thể, 3 nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 tiếp tục áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO14001 đã được cấp giấy chứng nhận; tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, giảm tải bãi chứa; trồng thêm cây xanh tại khu vực các nhà máy nhiệt điện.
Tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xúc tiến thủ tục xây dựng nhà máy chế biến tro xỉ tại TTĐL Vĩnh Tân, giải quyết căn cơ vấn đề tro xỉ; cùng với đó, TTĐL Vĩnh Tân cần chung tay đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân địa phương, hỗ trợ di dời các gia đình đến các khu tái định cư theo chủ trương của tỉnh Bình Thuận.
Minh Ngọc
Share