Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các đơn vị chức năng, các tập đoàn năng lượng.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn và Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh tham dự hội nghị.
Đáp ứng các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII
Ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Kế hoạch tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, nhằm xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án.
Kế hoạch cũng nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước; thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đáp ứng phát triển bền vững và đòi hỏi, xu thế của toàn cầu…; đồng thời xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII trong thời kỳ quy hoạch, cũng như cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo hội nghị
|
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn đã tham luận các giải pháp cũng như các kiến nghị.
Tham luận tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, EVN đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao.
Đối với các dự án nguồn điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm như: Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhiệt điện Quảng Trạch I… Song song đó, Tập đoàn cũng triển khai trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án NMNĐ Quảng Trạch II sử dụng nhiên liệu khí LNG; chuyển đổi nhiên liệu NMNĐ Ô Môn I sử dụng khí Lô B; đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án Chiến lược chuyển dịch năng lượng của EVN…
Về lưới điện, EVN đã chủ động giao các đơn vị sớm triển khai thủ tục đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực truyền tải, giải tỏa công suất các nguồn điện, nhập khẩu điện và đảm bảo cung cấp điện. Đặc biệt, EVN đang tập trung nguồn lực để triển khai thi công Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với mục tiêu hoàn cuối tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.
Với nhiệm vụ được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN thường xuyên, chủ động cập nhật rà soát tình hình cân đối cung cầu để có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, theo tính toán của EVN, tình hình cung ứng điện trong các năm tới còn nhiều rủi ro, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VIII.
Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho các giai đoạn đến năm 2025 và 2030 cũng như để triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hiệu quả, EVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu; các cơ chế giao EVN và các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm…
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tham luận
|
EVN cũng kiến nghị các địa phương sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện để triển khai đầu tư, sớm đưa vào vận hành đáp ứng tiến độ theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đặc biệt với nguồn điện lớn; EVN cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện được giao làm chủ đầu tư, đặc biệt các dự án thuộc chuỗi dự án điện khí Lô B, Cá Voi xanh.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành Điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc triển khai kế hoạch càng có ý nghĩa đặc biệt hơn.
Để thực hiện thành công kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp, nghiên cứu đề xuất liên quan đến đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan, nhất là các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện,... xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo...
Với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch ngành quốc gia; khẩn trương thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật; bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật về đất đai; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện...
Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, các hiệp hội ngành nghề cần phải tham mưu, tham gia ý kiến cơ chế chính sách phù hợp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung mọi nguồn lực để triển khai Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…