Tivi, loa, máy tính
Không nên đặt trực tiếp trên mặt sàn, nếu để sát tường bạn nên tạo khoảng cách 10cm để không khí có thể lưu thông, đồng thời giúp các thiết bị này tản nhiệt tốt hơn.
Kể cả khi không có nhu cầu bạn cũng nên bật tivi, máy nghe nhạc, loa... mỗi ngày một lần và mỗi lần khoảng 10-15 phút. Điều này giúp các thiết bị điện tử tự sản sinh nhiệt, hạn chế được tình trạng đọng nước.
Hoặc thay vì ngắt hẳn nguồn, bạn có thể để thiết bị điện tử ở chế độ chờ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi ở chế độ chờ, các thiết bị này không tắt hẳn, điều này cũng giúp sinh nhiệt và đặc biệt là tiết kiệm điện năng so với việc phải bật các thiết bị khi bạn không có nhu cầu.
Dùng máy hút ẩm, hạn chế mở cửa
Nhiều người có quan niệm sai lầm là khi thời tiết nồm ẩm bật quạt và mở cửa sổ là có thể giảm bớt tình trạng này. Tuy nhiên, nếu làm vậy tình trạng nồm ẩm càng trầm trọng và các thiết bị điện tử càng có nguy cơ hỏng hóc, hư hại. Cách tốt nhất là bạn nên đóng cửa và dùng chế độ hút ẩm của máy điều hòa.
Mỗi ngày nên thực hiện điều này 1,2 lần, mỗi lần 10-15 phút. Đây là cách khắc phục nồm ẩm hữu hiệu và được sử dụng nhiều nhất.
Máy ảnh, điện thoại, máy tính bảng
Đối với các thiết bị máy ảnh thì bạn nên trang bị một tủ chống ẩm chuyên dụng. Tủ nên có dung tích lớn bởi ngoài bảo quản máy ảnh, lens…bạn có thể bảo quản các giấy tờ quan trọng, điện thoại, máy tính bảng…
Nên để tủ chống ẩm trong điều kiện độ ẩm khoảng 30 - 55% . Tuy nhiên, cần lưu ý không nên bảo quản trong môi trường quá khô vì sẽ ảnh hưởng đến chi tiết máy.