1 kWh ánh sáng có giá bao nhiêu?

Lâu nay chúng ta chỉ tính giá cơ học nhưng lại chưa biết những yếu tố để sản xuất ra 1kWh điện. Vậy hãy nghĩ đến điều này khi sử dụng điện.

Đằng sau mỗi kWh ánh sáng

Chúng ta đều biết, để có nguồn điện sáng cho sản xuất và sinh hoạt cần có rất nhiều yếu tố. Theo đó, Nhà nước đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng các nhà máy nguồn điện, xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối các cấp điện áp từ 0,4kV đến 500kV.

Để có được điện, chúng ta cũng đã phải hy sinh nhiều ha đất, rừng; hàng trăm ha đất bị ngập khi xây dựng các thuỷ điện lớn nhỏ; môi trường sống cũng bị tác động ít nhiều, góp phần làm tăng thêm sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu; hàng chục nghìn hộ dân, chủ yếu ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng phải di dời nơi ăn chốn ở, nơi canh tác; chúng ta cũng đang phải khai thác hàng chục triệu tấn than, hành tỷ m3 dầu khí để phục vụ cho sản xuất điện.

Trong lao động, hàng chục nghìn công nhân ngành than đang miệt mài khai thác than ở những lò sâu đến hàng nghìn mét so với mặt nước biển; các công nhân ngành dầu khí đối mặt với hàng trăm rủi ro nơi đầu sóng ngọn gió và biển mênh mông vô tận. Hay những công nhân ngành điện và người lao động các ngành khác luôn túc trực tại các công trường, vật lộn với nắng mưa, giông bão để xây dựng các công trình điện; quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống điện…. nhằm duy trì nguồn sáng cho đất nước.

Có thể nói, hàng triệu công nhân trong các ngành than, điện, dầu khí…v à các ngành xây dựng khác đang âm thầm lặng lẽ, hy sinh tình cảm gia đình để cho các doanh nghiệp có điện sản xuất, cho cơ quan, công sở có điều hoà, điện thắp sáng; cho đại đa số người dân có điện dùng sinh hoạt; điện còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giảm tai nạn giao thông…

Và mỗi năm, những hoạt động sản xuất than, dầu khí, điện… dù trực tiếp hay gián tiếp để làm ra điện đều có những người ra đi vĩnh viễn không trở về.

Thống kê của ngành than trong năm 2023 và từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 vụ tai nạn lao động chết người, có hàng chục người tử vong. Tương tự với ngành điện, ít nhiều năm nào cũng có người tử vong do thi công các công trình điện hoặc sửa chữa lưới điện.

Tôi chắc rằng, sẽ không ai, nhất là giới trẻ hiện nay để ý tới quy trình làm ra điện; chưa tự hỏi để có 1 kWh điện sáng chúng ta mất bao nhiêu mà chỉ biết chúng ta đang mua điện với giá chưa đầy 2.000 đồng/kWh.

Đó là con số cơ học dựa trên tính toán chi phí sản xuất của các cơ quan làm giá và Tập đoàn Điện lực Việt Nam!

Còn thực tế, 1 kWh điện sáng cao hơn nhiều như đã tóm tắt ở trên. Bởi lẽ 1kWh điện chúng ta đang tiêu tốn nhiều thứ, thậm chí cả máu và nước mắt.

Vẫn hiện hữu nguy cơ thiếu điện

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2023, quy mô hệ thống điện Việt Nam đạt khoảng 80.555MW về tổng công suất nguồn. Hệ thống lưới điện các cấp điện áp đã kết nối tới mọi vùng miền của tổ quốc, thậm chí cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đến cuối năm 2023, số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,60%. Bên cạnh đó, EVN cũng không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các trung tâm hành chính công và Cổng Dịch vụ công của các tỉnh/thành phố. Nhìn chung, gần 100% người dân được sử dụng điện và các dịch vụ điện tiện ích mà không phải mất nhiều thời gian như hơn 10 năm về trước.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng mức sống của người dân ngày càng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng trưởng trên dưới 2 con số. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn thuỷ điện ở nước ta đã khai thác hết; nhiệt điện than ngừng phát triển theo các cam kết quốc tế và áp lực của xã hội về môi trường; điện năng lượng tái tạo dù tiềm năng song lại hạn chế bởi tính bất định của thời tiết và hệ thống lưu trữ chưa phát triển; nguồn điện dầu và khí cũng đang gặp khó khăn do nguồn nhiên liệu phải nhập khẩu và giá thành rất cao; điện hạt nhân chưa thể phát triển vì nhiều yếu tố, trong đó có lý do an toàn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống nguồn và lưới điện cũng đang gặp nhiều khó khăn do vướng những quy định của các Luật lệ, quy hoạch đất đai, thiếu nguồn tài chính, khó khăn về giải phóng mặt bằng…Trong khi để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện, mỗi năm Việt Nam cần 4000-5000 MW với số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Trên thực tế, mỗi năm trong giai đoạn 5 năm gần đây, tất cả các nguồn điện đưa vào vận hành đều thấp hơn mục tiêu đề ra. Cộng với những bất ổn của tình hình thế giới ảnh hưởng trực tiếp lên chuỗi cung ứng nhiên liệu toàn cầu, trong đó có Việt Nam …càng khiến áp lực đảm bảo điện trở nên gay gắt.

Còn nhớ 20 ngày đầu tháng 6/2023, do yếu tố nguồn nước và khó khăn trong cung cấp nhiên liệu đã khiến nhiều địa phương ở miền Bắc thiếu điện, phải cắt điện luân phiên. Thiếu điện khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng gián đoạn sản xuất, trễ hẹn đơn hàng… và đó là lý do khiến Bộ Công Thương và ngành điện chịu làn sóng chỉ trích, kêu ca của doanh nghiệp, người dân.

Năm 2024, dù đảm bảo điện song theo Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) công tác cung cấp điện năm 2025 có thể gặp nhiều thách thức khi nhu cầu điện vẫn tăng cao, nguồn điện vào không nhiều, nhiên liệu khí gặp khó khăn và nhiều yêu cầu, đòi hỏi của nhà đầu tư chưa có giải pháp tháo gỡ…

Nêu lên như vậy để thấy rằng, điện quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp, các ngành sản xuất và sinh hoạt của người dân và những thách thức cấp điện trong thời gian tới.

Sự lãng phí và hành động của chúng ta?

Có thể khẳng định, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột và là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Điều đó được hiện thực hoá bằng các Luật và văn bản dưới luật. Đặc biệt, năm 2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.

Trong lĩnh vực điện lực, từ năm 2020 đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có 2 Chỉ thị về tiết kiệm điện cùng với các chỉ đạo của Bộ Công Thương. Hàng năm, Bộ Công Thương, ngành điện cũng đã thực hiện nhiều chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, trong đó có tiết kiết điệm, điều chỉnh phụ tải…. Đồn thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện một cách sâu rộng. Nhờ đó, đã có sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng bằng những con số cụ thể.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Mặc dù hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), nhưng so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao.

Trong thực tế, sử dụng năng lượng ở nước ta vẫn kém hiệu quả và lãng phí. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng sự lãng phí đó đến từ nhiều yếu tố chủ quan. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Giá điện thấp khiến nhiều doanh nghiệp không ý thức tiết kiệm điện hay đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại…

Trong khối hành chính sự nghiệp công, nhiều cơ quan vẫn sử dụng điện thắp sáng, điều hoà và các thiết bị điện văn phòng một cách thoải mái; một số khu vực công cộng, đường phố vẫn để đèn ngay cả vào nửa đêm hoặc gần sáng... Tương tự với người dân, nhất là tầng lớp trung lưu, việc chi trả tiền điện vài ba triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng/tháng chỉ là “muỗi” đối với họ.

Hệ luỵ của việc lãng phí năng lượng hoặc sử dụng chưa hiệu quả là rất lớn không chỉ cho đất nước mà còn từng doanh nghiệp, người dân đúng như lời ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã từng phát biểu nhiều lần ở các diễn đàn: “Việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm tiêu tốn tài nguyên, phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, đời sống và sự phát triển bền vững của đất nước”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần cơ chế để khuyến khích, khen thưởng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; hoặc có chế tài mạnh mẽ hơn cho người sử dụng điện, nhất là trong công nghiệp…Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cơ chế, chế tài thì mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hãy bắt đầu bằng hành động nhỏ nhất là tắt điện khi không sử dụng.

Chỉ cần hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cùng với hơn 11 triệu khách hàng khác thực hiện tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (năm 2023 tổng sản lượng tiêu thụ gần 280 tỷ kWh) thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được trên 5 tỷ kWh. Với giá hiện hành sẽ tiết kiệm điện được gần 10.000 tỷ đồng.

Hãy đọc và xem những con số để khi sử dụng điện, xin hãy nghĩ đến 1kWh điện giá bao nhiêu?

Link gốc

 


  • 21/08/2024 10:26
  • Theo congthuong.vn
  • 5920