Đây là sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022 "Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 – xây dựng nơi làm việc hòa nhập". Diễn đàn được tổ chức bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy.
Tham dự diễn đàn này, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN đã có phần trình bày về hành trình thúc đẩy bình đẳng giới của EVN.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ về hành trình thúc đẩy bình đẳng giới của EVN
|
Theo ông Võ Quang Lâm, hiện nay, EVN có tổng số hơn 97.000 cán bộ công nhân viên (CBCNV); trong đó, nữ giới chiếm 21%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, truyền thông, văn phòng. Những năm qua, lực lượng CBCNV nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN cũng như các đơn vị thành viên.
Đặc biệt, hiện CBCNV nữ giữ các vị trí quản lý trong toàn tập đoàn đã chiếm tỷ lệ 12,92% trong tổng số lãnh đạo quản lý, cao hơn so với kế hoạch 0,92%. Trong giai đoạn 2021-2025, EVN phấn đấu nâng tỷ lệ CBCNV nữ thêm ít nhất 2%, đặc biệt các vị trí kỹ thuật; đồng thời tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí quản lý.
Để đạt được mục tiêu này, EVN sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo cơ hội để nữ CBCNV đóng góp thêm trong các hoạt động, có thể "cạnh tranh" các vị trí trong lĩnh vực kỹ thuật. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách đào tạo và lịch làm việc linh hoạt, tạo điều kiện cho lao động nữ tham gia các khoá đào tạo về chuyên môn và quản lý,...
Đại diện của EVNHANOI (thứ hai từ trái sang) và EVNSPC (thứ hai từ phải sang) nhận chứng nhận quốc tế về Bình đẳng giới tại diễn đàn
|
Tại Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (nhận được chứng nhận Bình đẳng giới toàn cầu vào tháng 4/2022) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (nhận năm 2021), công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Một trong số đó là quyền và lợi ích chính đang của lao động nữ ngày càng được đảm bảo, được bố trí công việc làm phù hợp với trình độ đào tạo, giới tính, sức khoẻ; không có lao động dôi dư; trình độ chuyên môn của lao động nữ ngày càng được đào tạo nâng cao; chất lượng lao động nữ tăng lên rõ rệt; đời sống vật chất tinh thần, sức khoẻ ngày càng được cải thiện đóng góp tích cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổng công ty.
Nguyễn Thủy
Share