CLB 2030 đã thống nhất thiết lập các mục tiêu giảm thải lượng carbon trong thời gian ngắn với mức giảm ít nhất 80% lượng khí thải carbon hoặc chuyển sang sản xuất nguồn cung cấp điện là năng lượng sạch (phần lớn là năng lượng điện mặt trời, điện gió và điện gió ngoài khơi) với mức tỉ lệ 80% tổng công suất vào năm 2030.
Ông Lakin Garth, Giám đốc viện Nghiên cứu chiến lược và Công nghiệp của SEPA cho biết: “Các công ty thành viên của CLB 2030 đang đi đầu trong nỗ lực nghiêm túc nhằm giảm lượng khí thải carbon triệt để và khẳng định công việc khó khăn này có thể được thực hiện nếu tất cả cùng cam kết thực hiện”.
Ông Lakin Garth cho biết thêm: “SEPA hy vọng rằng qua những hành động thiết thực đó, chúng tôi có thể giúp giáo dục về những bài học kinh nghiệm, những phương pháp hay nhất và các giải pháp khả thi để giúp các công ty khác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống cung ứng điện không có carbon”.
SEPA sẽ cung cấp các tiêu chuẩn và phương pháp thực hành tốt nhất cho các doanh nghiệp thành viên nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm lượng carbon của riêng họ. Các thành viên của Câu lạc bộ 2030 bao gồm các công ty tư nhân, doanh nghiệp công và doanh nghiệp liên kết thuộc sở hữu của nhiều nhà đầu tư đa quốc gia bên cạnh các hợp tác xã sản xuất điện và cơ quan cung cấp điện công cộng địa phương.
Các doanh nghiệp này khác nhau đáng kể về mô hình kinh doanh, vị trí địa lý, quy mô và danh mục đầu tư, tổng số lượng khách hàng được phục vụ của các thành viên CLB 2030 dao động từ khoảng 8.000 đến hơn 5,5 triệu khách hàng.
Câu lạc bộ 2030 sẽ tập trung vào phát triển 5 lĩnh vực chính (gọi là chương trình 5x25) là: phục hồi, lưu trữ, vận chuyển, công nghệ mới và chính sách năng lượng – năm lĩnh vực này đóng vai trò chủ chốt để tăng tốc việc giảm lượng carbon trong hai năm tới và hoàn thành mục tiêu chung vào năm 2030. Chương trình 5x25 được Giám đốc điều hành SEPA, ông Sheri Givens công bố chính thức tại hội nghị RE+ vào ngày 11/9/2023.
Việc thành lập CLB 2030 tại Mỹ là một trong số những hoạt động tiêu biểu của các nước thành viên theo Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), theo công ước này, Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.