3 kỹ năng mềm mới cần phải có trong bối cảnh số

Trong tương lai, có thể “kỹ năng mềm" và “kỹ năng cứng" sẽ không còn có sự phân định rạch ròi, vì người lao động cần phát triển một bộ kỹ năng chung, và tất cả trong đó đều phải được rèn cho thật cứng.

Kỹ năng mềm nay đã khác

Trong cuốn sách Hit Refresh từng đứng đầu danh sách bán chạy nhất của tạp chí New York Times, tác giải Satya Nadella đã chia sẻ về “chìa khóa" giúp ông lớn Microsoft thành công. Điều bất ngờ là các giá trị giúp một thương hiệu dẫn đầu về công nghệ lại đến từ các kỹ năng liên quan đến con người như trí tuệ cảm xúc hay sự cảm thông. Trên thực tế, những kỹ năng này đang trở thành điểm sáng cần thiết hơn bao giờ hết trong một thế giới mà công nghệ đang chiếm ưu thế và sẵn sàng thay thế con người.

Kỹ năng liên quan đến con người, hay vốn được biết đến với khái niệm “kỹ năng mềm" từ lâu đã được xem như một DNA quan trọng trong tổ chức. Không chỉ Microsoft, các gã khổng lồ công nghệ khác như Google và Amazon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm. Trong một nghiên cứu nội bộ, Google đã cho thấy các nhóm thành công nhất trong công việc là các cá nhân có kỹ năng mềm mạnh mẽ.

Tuy vậy, không chỉ gói gọn trong giao tiếp, làm việc nhóm hay hòa nhập với môi trường làm việc, kỹ năng mềm đang tiến hoá.

Trong bối cảnh hàng trăm triệu công việc mới sắp xuất hiện cần sự tương tác và dẫn dắt của con người đối với máy móc, các kỹ năng phán đoán, tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc… trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhận định:“Kỹ năng mềm đang dần vượt ra khỏi những khái niệm “phụ trợ" quen thuộc và trở thành yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kỹ năng chung của người lao động. Một đội ngũ “cứng” về các kỹ năng tập trung vào con người sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính linh hoạt, khả năng thích ứng của tổ chức, nhất là trong bối cảnh xã hội đang liên tục phát triển và thay đổi".                                                                 

Kỹ năng mềm trong thời đại số

Dưới tác động của kỷ nguyên số và công nghệ, bức tranh thị trường việc làm có nhiều thay đổi. Bà Hương cho hay, môi trường việc làm tự động hóa tạo điều kiện các kỹ năng liên quan đến trí tuệ cảm xúc nở rộ, trong đó có 3 nhóm kỹ năng mềm “vươn lên” trở thành kỹ năng chính yếu, tác động rõ rệt đến sự phát triển của cá nhân và tổ chức.

Đầu tiên, nhóm kỹ năng liên quan đến “Trí tuệ ngữ cảnh” (Contextualized intelligence) bao gồm cách thức cá nhân phân tích và tương tác phù hợp theo từng ngữ cảnh. Kết hợp với các nghiên cứu, số liệu được cung cấp từ các ứng dụng công nghệ, “Trí tuệ ngữ cảnh” giúp người lao động tăng khả năng phân tích đa chiều trong cùng một hoàn cảnh, để đưa ra tương tác, quyết định phù hợp nhất.

Tiếp theo, nhóm kỹ năng “Nhận thức linh hoạt” (Cognitive flexibility) diễn tả trạng thái thích nghi và điều chỉnh linh hoạt của cá nhân trong từng môi trường công việc cụ thể. Sau làn sóng sa thải hàng loạt và sự chiếm sóng của AI, thì linh hoạt là yếu tố cốt lõi giúp người lao động “làm chủ” bản thân, công việc và trụ vững trước những bất định.

Cuối cùng, nhóm kỹ năng thiên về “Trí tuệ cảm xúc và xã hội” (Social and emotional intelligence) - yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa con người và AI. Các thành tố của trí tuệ cảm xúc và xã hội bao gồm: khả năng giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm, kiểm soát cơn nóng giận… Kỹ năng này giúp cá nhân dễ dàng chấp nhận những yếu tố khác biệt và dung hoà nó trong tập thể.

Doanh nghiệp có thể làm gì? 

Để phát triển những kỹ năng mềm này, nhiều doanh nghiệp tiến hành xây dựng những chương trình đào tạo bài bản cho người lao động. Tại Deloitte, chương trình “Nghệ thuật của sự đồng cảm" gây ấn tượng khi đặt lãnh đạo vào hoàn cảnh của nhân viên, tạo ra sự đồng cảm và gắn kết nội bộ. Đại học Stanford cũng nổi tiếng với khoá “Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn” kéo dài 8 tuần để trau dồi sự thấu cảm, lòng nhiệt thành giữa các cá nhân với nhau.

Bà Hương nhận thấy cả phía doanh nghiệp và người lao động đều có những thay đổi trong tư duy về vai trò kỹ năng mềm trong định hướng nghiệp vụ. Số lượng thời gian đào tạo trung bình cho các kỹ năng mềm tại doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, trong đó các kỹ năng như tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc, tính linh hoạt là những tiêu chí đánh giá hàng đầu đối với người lao động.

Trên thực tế, đầu tư vào kỹ năng mềm cũng góp phần giúp doanh nghiệp có sự trang bị tốt nhất để hoà nhập vào sự thay đổi nhanh chóng trong thời đại số. Trong một khảo sát của chuyên trang LinkedIn, 91% chuyên gia tuyển dụng đồng ý kỹ năng mềm quan trọng đối với tương lai thị trường việc làm. Khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo tiếp tục định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp và lĩnh vực chuyên môn, thì kỹ năng mềm là thứ mà máy móc không thể thay thế sẽ là yếu tố chủ chốt.

Để xây dựng những khóa đào tạo phù hợp, doanh nghiệp có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn nhân sự để có thêm góc nhìn chiến lược từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Với năng lực tư vấn và am hiểu sâu sắc thị trường lao động, đơn vị này sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về hoạch định nguồn nhân lực, từ đó xác định bức tranh kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh và đưa ra các chỉ dẫn phù hợp.

Cuối cùng, bà Hương lưu ý: “Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên sa đà vào kế hoạch phát triển kỹ năng mềm cho nhân viên mà bỏ qua các yếu tố khác. Những “giá trị mềm” như văn hóa doanh nghiệp, tính gắn kết nhân sự nội bộ sẽ là những yêu cầu tất yếu giúp doanh nghiệp củng cố nội lực, tăng sức bật cho giai đoạn tiếp theo”.

Link gốc


  • 01/06/2023 04:34
  • Theo baodautu.vn
  • 4121