3 phương án nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam

Nhân chuyến về Việt Nam, GS. Trần Văn Thọ - GS danh dự, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ đã dành thời gian gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam. Đồng thời ông cũng chia sẻ câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số bằng câu chuyện từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam.

Theo GS. Trần Văn Thọ, không chỉ Nhật Bản mà ở những nước xung quanh cũng có sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, Việt Nam có thể học hỏi. Trong đó, tiêu biểu là Ấn Độ, từng là thuộc địa của Anh, nhưng hiện nay, nền kinh tế của Ấn Độ giờ đã vượt qua nước Anh. 

Số liệu GDP được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố đầu tháng 9 cho thấy, quy mô nền kinh tế Ấn Độ đã vượt Anh trong ba tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.Theo đó, nền kinh tế Ấn Độ tính theo giá trị danh nghĩa đạt 854,7 tỷ USD, trong khi quy mô kinh tế Anh là 816 tỷ USD. Giá trị danh nghĩa là cách tính các đại lượng kinh tế bằng giá hiện hành.

GS.Trần Văn Thọ chia sẻ tại cuộc gặp gỡ các doanh nhân Việt Nam.

Ngoài ra, Đài Loan từng là thuộc địa thuộc Nhật Bản thì hiện tại GDP đầu người vượt Nhật Bản. Số liệu IMF công bố ngày 11/10/2022, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan lên cao hơn hai nước hàng đầu Đông Á là Hàn Quốc (33.590 USD, giảm đi 4% so với 2021) và Nhật Bản (34.360 USD, giảm 12% so với 2021).

Một số nền kinh tế trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hiện có những tăng trưởng rõ rệt. Indonesia hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. Thái Lan ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài. Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đặt mục tiêu đên năm 2030 thu hút các công ty nước ngoài và trong nước đầu tư tổng cộng khoảng 2 nghìn tỷ baht (57 tỷ USD) vào các lĩnh vực như xe điện, điện tử thông minh và công nghệ để xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.

Đối với Việt Nam, trên bản đồ năng suất kinh tế châu Á, hiện chỉ bằng Nhật Bản năm 1960, thấp hơn nhiều nước ASEAN và Trung Quốc. “Việt Nam ưu thế dân đông, đồng nhất về ngôn ngữ, văn hóa, ít hoặc không có mâu thuẫn về sắc tộc tôn giáo, dễ trở thành một cường quốc hạng trung, tuy nhiên, hiện chưa phát huy được tiềm năng và sức mạnh của mình”, GS Thọ nói. 

Theo GS. Thọ, Việt Nam còn có thế mạnh khác rất lớn, đó là về nguồn lao động. Lao động Việt Nam giỏi hơn cả những nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Chỉ số năng lực về toán và khoa học của Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, Phillipines và gần bằng Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, số lao động có học vấn THCS chiếm tới 61% và chỉ 24% lao động có trình độ chuyên môn. 

Theo dự báo của IMF, năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt 5,8%, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,9% năm 2024. Việt Nam đang là một trong hai nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á (cùng Ấn Độ). “Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tạo ra một giại đoạn phát triển cao, ngoạn mục mới thay đổi nhanh vị trí của Việt Nam trên vũ đài thế giới và tăng sức mạnh Việt Nam trong một thế giới bất ổn”, GS. Thọ phân tích. 

GS. Thọ cũng chỉ ra những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay như: Công nghiệp hoá chưa thâm sâu, công nghệ hỗ trợ vẫn yếu dù được nói đến cả 20 năm trước; số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia vào công nghiệp hỗ trợ rất nhỏ; Công nghệ thực phẩm còn yếu, số lượng DN tham gia công nghiệp hỗ trợ quá ít, FDI còn chiếm áp đảo trong điện tử; là nước giàu tài nguyên nông nghiệp, gần 35% lao động là nông dân nhưng còn nhập siêu nông phẩm, thực phẩm, đặc biệt, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, chủ yếu là nông nghiệp và bộ phận phi chính quy ngoài nông nghiệp, năng suất quá thấp.

Theo GS. Thọ, để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, cần củng cố nội lực, tăng năng suất khu vực ngoài nhà nước, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, thay thế thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; nỗ lực tham gia ở các bậc cao trên chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; hiện đại hoá, tổ chức hoá chuỗi cung ứng lương thực: Hỗ trợ nuôi dưỡng có hiệu quả các DN vừa và nhỏ; từng bước chính quy hoá khu vực phi chính quy; có chiến lược mới về FDI; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Trong đó, chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt được GS. Thọ đưa ra là: 

Thứ nhất, cần chú trọng tài sản vô hình và đổi mới sáng tạo. Trong tài sản vô hình, hai yếu tố cơ bản là sự đổi mới về mặt tổ chức, và phải có nhân sự tài năng gắn bó lâu dài với DN. 

Thứ hai, cần xây dựng nhân sự tài năng gắn với DN riêng. Có hai loại nhân sự tài năng cần cho giai đoạn mới, đó là: Nhân tài kỹ thuật số và nhân tài tổng hợp. Nhân tài kỹ thuật số tăng nhanh nhưng không đáp ứng nhu cầu, vì thế, cần có chiến lược vừa thu hút nhân tài vừa đào tạo nhân lực. Đặc biệt, cần có hệ thống đãi ngộ để thu hút nhân tài. Nhân tài tổng hợp là những người có năng lực cơ bản thích ứng nhanh với thị trường công nghệ, cần phát triển, thu hút người có tiềm năng, có năng lực cơ bản tổng hợp, nuôi dưỡng đào tạo trong công ty. 

Thứ ba, cần bổ sung nguồn lực kinh doanh. Với một DN, tài sản vô hình thì hữu hạn, trong khi cơ hội thị trường công nghệ thì rất lớn. Vì thế, cần liên kết với DN khác trong và ngoài nước để tận dụng các cơ hội.

Bên cạnh đó, GS. Thọ nhấn mạnh, ngoài truyền thông nguồn lực kinh doanh cần tạo chữ tín và xây dựng quan hệ lâu dài, Nhiều nghiên cứu cho thấy, chữ tín có vai trò quan trọng trong việc tăng cường, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhân tài tổng hợp cũng rất quan trọng trong việc thương lượng, quan hệ với DN khác.

Link gốc.


  • 19/04/2023 05:07
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4135