Đưa ra lý do đủ sức thuyết phục
“Vì sao bạn chọn công ty này?” hay “Vì sao bạn chọn công việc này?” là câu hỏi mà ứng viên thường nhận được. Dù liên tiếp nhận câu hỏi như vậy nhưng nhiều sinh viên mới ra trường vẫn không biết cách ghi điểm.
Thông thường, họ trả lời rất đơn giản, chung chung. Lý do đưa ra thường là vì được học chuyên môn này trên ghế nhà trường; vì vô tình tìm thấy thông tin tuyển dụng; vì cần việc làm, cần tiền lương để sống…
Đây là câu trả lời mà chắc chắn nhà tuyển dụng không muốn nghe. Dù có thông cảm cho sự non nớt của bạn thì họ cũng không chọn một ứng viên như vậy. Hơn nữa, câu trả lời cho thấy, dẫu ứng tuyển vào vị trí đó nhưng bạn không thực sự thiết tha, coi trọng cơ hội việc làm.
Điều nhà tuyển dụng tìm kiếm là nhân sự có năng lực, mang lại giải pháp tốt cho doanh nghiệp; nhiệt huyết, đam mê và quyết tâm cao cho công việc.
Do đó, để trả lời tốt câu hỏi, đòi hỏi bạn phải đào sâu thông tin về doanh nghiệp, về vị trí tuyển dụng. Bạn cần xác định, công ty có điều gì thu hút, vị trí ứng tuyển có phải là việc bạn mong muốn. Càng ít kinh nghiệm thì bạn càng phải phải tìm hiểu thông tin sâu hơn ứng viên khác, càng phải cho thấy quyết tâm cống hiến, khả năng mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Đồng thời phải thể hiện bạn là người nhận thức sâu sắc về năng lực bản thân, về nghề nghiệp đang theo đuổi.
Sử dụng hiệu quả những kinh nghiệm ít ỏi
Nhiều ứng viên vốn đã ít kinh nghiệm nhưng lại không biết cách sử dụng nó khi trả lời phỏng vấn. Một số trường hợp, để bù đắp cho việc không có kinh nghiệm, họ lại tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng không liên quan tới vị trí ứng tuyển.
Đây đều là sai lầm mà bạn nên tránh. Hãy chắt lọc kinh nghiệm đắt giá để trình bày với nhà tuyển dụng. Đồng thời nhấn mạnh, kinh nghiệm đó đã giúp bạn trưởng thành ra sao. Thậm chí dù không có kinh nghiệm liên quan thì bạn vẫn có cách để thu hút nhà tuyển dụng. Ví dụ, bạn chuẩn bị sẵn những “tố chất” chứng tỏ bạn có tiềm năng với công việc đó.
Thông qua CV, có thể nhà tuyển dụng đã thấy bạn không có hoặc ít kinh nghiệm. Tuy nhiên họ vẫn tạo cơ hội bởi họ đã tìm thấy phẩm chất nào đó của bạn phù hợp với doanh nghiệp và vị trí ứng tuyển. Vì thế bạn nên mạnh dạn mang tất cả kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm… để thuyết phục họ.
Phong thái trả lời chuyên nghiệp
Dù là sinh viên mới ra trường thì bạn cũng không nên “tự cho phép” mình ăn mặc xuề xòa, thiếu lịch sự. Hơn nữa, dù thiếu kinh nghiệm nhưng đừng vì thế, bạn tỏ ra rụt rè, lo lắng, run sợ khi phỏng vấn.
Hãy thể hiện bạn là một ứng viên nghiêm túc với buổi phỏng vấn, tôn trọng nhà tuyển dụng với bộ trang phục gọn gàng, chỉn chu, phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn, hãy đến buổi phỏng vấn với một phong thái chuyên nghiệp, thể hiện đúng lợi thế cạnh tranh của tuổi trẻ. Khi trả lời, bạn nên điềm đạm và nhấn mạnh vào những điểm quan trọng cùng với đó là tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng thử thách, dám bước ra khỏi vùng an toàn…
Mang hình ảnh và tinh thần tích cực đó khi trả lời phỏng vấn, chắc chắn ngay từ phút đầu, bạn đã tạo thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng.
Đặt câu hỏi độc đáo cho nhà tuyển dụng
Trong phỏng vấn, không chỉ trả lời, ứng viên còn phải biết cách phản biện. Do còn non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng nên có thể, bạn sẽ lắng nghe nhiều hơn. Nhưng đừng im lặng, đừng thụ động và chỉ biết gật đầu. Hãy đưa ra câu hỏi ở thời điểm thích hợp.
Việc đặt câu hỏi sẽ giúp bạn sáng tỏ những điều chưa rõ. Và, chính câu hỏi sẽ phản ánh bạn hiểu tới mức nào những điều nhà tuyển dụng mong muốn. Hơn nữa, những câu hỏi còn chứng tỏ bạn đã chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn; bạn tự tin, dám đưa ra chính kiến cùng tâm thế sẵn sàng học hỏi, lĩnh hội những điều chưa biết.
Trên thực tế, nhà tuyển dụng có hàng chục lý do để lựa chọn một ứng viên. Dù là sinh viên mới ra trường thì bạn cũng không thiếu cách để thuyết phục nhà tuyển dụng khi trả lời phỏng vấn. Hãy thử áp dụng 4 cách trên để có buổi phỏng vấn thành công nhé.
Link gốc