5 lý do nhà tuyển dụng xem trọng thái độ hơn trình độ

Trong quá trình tuyển chọn nhân viên, các nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên những ứng viên có thái độ tốt thay vì có trình độ cao, chính là vì những lý do sau đây.

Trình độ dễ rèn luyện hơn thái độ

Thái độ được xem là một yếu tố gắn liền với cá tính và cả bản lĩnh của một con người. Nó được xây dựng trong một quá trình dài từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, trưởng thành nên không dễ để thay đổi trong thời gian ngắn. Nói một cách dễ hiểu, năng lực còn chưa vững vàng thì qua trau dồi và mài dũa, bạn có thể đạt được kết quả tốt hơn, nhưng thái độ thì không hẳn. Thậm chí chưa kể đến, một số cá nhân không ý thức được thái độ của mình có vấn đề và cần phải thay đổi. Chính vì thế đây là lý do đầu tiên mà nhà tuyển dụng thường ưu tiên người có thái độ tốt hơn là trình độ.

Thái độ tốt là chìa khóa dẫn đến thành công

Sự thật này là điều không thể phủ nhận và cũng là lý do nhà tuyển dụng xem trọng thái độ hơn trình độ của ứng viên. Sự thành công của một tập thể phải kể đến sự đóng góp của từng cá nhân dành cho công việc, bởi vậy những nhân sự có tinh thần nhiệt huyết, tính cách lạc quan, hòa đồng, luôn có trách nhiệm và hết mình với công việc sẽ được đánh giá cao hơn những người chỉ có chuyên môn tốt nhưng thái độ không hợp tác.

Thái độ có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc

Nếu một người nào đó không sở hữu thái độ làm việc tốt thì họ sẽ khó sản sinh năng lượng tích cực. Và điều này hoàn toàn có thể phá vỡ không khí tập thể, gây ra sự xung đột trong văn hóa doanh nghiệp. Kết quả sẽ dẫn đến việc tinh thần làm việc chung bị ảnh hưởng và kéo theo hiệu suất làm việc cũng không thể đạt được như mong muốn.

Theo một cuộc khảo sát về năng suất làm việc của doanh nghiệp một cách ngẫu nhiên thì có khoảng 30% nhân viên là cảm thấy hứng thú, muốn cống hiến cho công việc họ đang làm; 50% khác thì đang cố gắng hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất với mục tiêu duy nhất là nhận lương, dường như không có sự bứt phá hay sáng tạo nào; còn lại 20% lại có cảm giác chán nản, không làm xong việc ở văn phòng và thường xuyên dành nhiều thời gian để tán gẫu, làm việc riêng. Và dĩ nhiên nhóm cuối sẽ trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến năng suất chung.

Thái độ tốt dễ dàng thăng tiến

Hẳn là không thể phủ định ý kiến này bởi sự thăng tiến ngày nay phụ thuộc không ít vào thái độ hơn trình độ của người đó. Thực tế, nếu doanh nghiệp muốn bổ nhiệm một nhân sự vào vị trí quản lý thì họ cũng sẽ cân nhắc chọn người có tư cách - thái độ tốt hơn là một người chỉ biết làm xong việc nhanh. Bởi khi bạn bước lên một vị trí cao hơn, bạn cần có những đức tính phù hợp để lãnh đạo và điều khiển đội nhóm. Nếu chỉ làm tốt việc mà thái độ không ổn thì cũng không thể tiến xa trong sự nghiệp do khó hòa nhập trong tập thể.

Thái độ đúng góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp

Trong cuộc sống và công việc đôi khi bạn có thể gây ấn tượng không phải bằng sự thông minh mà chính từ thái độ tích cực, quyết tâm, khả năng thích ứng. Bạn có thể thấy không ít những thử thách được nhà tuyển dụng xây dựng nên để “thử lòng” các ứng viên của mình. Chẳng hạn như khi tuyển dụng nhân viên bán hàng ở một cửa hàng đồ hiệu, các nhà tuyển dụng không ngần ngại đóng giả những người bình thường, ăn mặc không mấy nổi bật để đánh giá các tiếp khách, mời chào, tư vấn của nhân viên có tốt không hay tỏ ra thái độ coi thường người khác. Những hành động thực tế này sẽ góp phần gạn lọc những thành phần có thái độ không tốt, gây ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp.

Tóm lại, nếu có trình độ phù hợp nhưng thiếu ý chí sử dụng chúng sẽ không giúp bạn đạt được thành công tối đa. Với suy nghĩ này, không có gì lạ khi nhà tuyển xem trọng thái độ hơn trình độ của bạn. Thế nên để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, đừng quên thể hiện những thái độ tích cực nhất của mình.

Link gốc


  • 01/02/2023 10:55
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 3450