1. Nhồi nhét nhiều đồ ăn vào tủ lạnh: Việc này dẫn đến, luồng khí lạnh trong tủ bị bịt kín, lưu thông kém, không phân phối đủ độ lạnh, dẫn đến tủ lạnh phải làm việc liên tục, ảnh hưởng tới tuổi thọ của tủ. Thêm nữa, người dùng cũng thường để đồ sai vị trí trong tủ, trong khi mỗi vị trí ở trong tủ lạnh có nhiệt độ khác nhau và dùng để lưu giữ các nhóm thực phẩm khác nhau. Phần cánh tủ thường dùng để trứng, sữa, nước, hoa quả vì ít lạnh hơn, phần dưới cùng lạnh nhất dùng cất trữ rau quả tươi và thực phẩm tươi sống.
2. Không tắt tivi hoàn toàn khi không sử dụng: Ngày Tết, tivi thường hoạt động liên tục nên nhiều người không có thói quen tắt hẳn nút nguồn tivi khi không sử dụng. Điều này làm cho tivi giảm tuổi thọ nhanh, cũng như hao phí điện năng vì vẫn ở chế độ chờ, chưa tắt hẳn. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường tắt mở liên tục bằng điều khiển, khiến tivi nhanh hỏng. Nhiều người cũng hay có thói quen rút luôn phích cắm khỏi ổ điện thay vì tắt theo trình tự thông thường, làm cháy các thiết bị bên trong do mất nguồn điện đột ngột.
3. Cho quá nhiều quần áo vào máy giặt cùng một lúc: Ngày Tết, số lượng đồ giặt thường nhiều hơn so với ngày thường, đôi khi, vì muốn tiết kiệm thời gian, nhiều người đã cho nhiều quần áo vượt mức quy định vào máy giặt. Khi bị quá tải, máy giặt thường phát tiếng kêu to và có thể lồng giặt ngừng quay. Thói quen này dễ làm hao mòn hệ thống dây cu-roa và vòng bi của máy.
4. Không lau khô ruột nồi cơm điện trước khi nấu: Thói quen này có thể dẫn tới việc nồi cơm bị chập điện. Đồng thời, cần thường xuyên lau sạch mặt ngoài của ruột nồi và nắp nồi bằng vải mềm.
5. Không đậy nắp dụng cụ đựng thức ăn khi quay lò vi sóng: Việc mở hộp hoặc chỉ đặt thức ăn vào tô, đĩa không có nắp khiến thức ăn, dầu, mỡ... bị văng ra ngoài, bám vào thiết bị, khiến lò vi sóng bị han gỉ, giảm tuổi thọ. Bên cạnh đó, việc không đậy nắp thức ăn khi quay lò vi sóng cũng khiến quá trình làm nóng diễn ra lâu hơn, lãng phí điện năng.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
Share