Mạch 1: Kỳ tích từ sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm
Năm 1990, tình trạng thiếu điện ở miền Nam và miền Trung bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, miền Bắc lại dư thừa sản lượng điện, nhất là từ khi Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình hoàn thành và đưa vào vận hành.
Trên cơ sở xem xét các biện pháp giải quyết thiếu điện cho miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và dự kiến kế hoạch phát triển điện giai đoạn 1991-2000, Chính phủ đã quyết định xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc - Nam. Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Trên thực tế, công trình chỉ có ý nghĩa nếu hoàn thành trong thời gian là 2 năm, vì nếu kéo dài 3-4 năm thì không thể so sánh với phương án xây dựng nhà máy điện tại chỗ. Do đó, ngày 5/4/1992, công trình đã được khởi công trong sự quyết tâm của toàn ngành Điện.
Với chiều dài 1.487 km từ Hòa Bình đến Phú Lâm, sau 2 năm tập trung tổng lực, theo phương thức vừa khảo sát, vừa thiết kế, vừa nhập vật tư thiết bị, vừa thi công, ngày 27/5/1994, công trình đường dây 500kV Bắc - Nam đã được đóng điện và đưa vào vận hành. “Suối điện” từ miền Bắc đã “tuôn chảy” đến các công trường, nhà máy, miền quê, đô thị, các khu công nghiệp ở miền Trung và miền Nam. Đây là công trình điện siêu cao áp đầu tiên, hoàn toàn mới về kỹ thuật và công nghệ đối với ngành Điện Việt Nam. Do đó, việc hoàn thành xây dựng công trình trong 2 năm là một kỳ tích về tốc độ xây dựng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và trình độ trí tuệ của những người làm điện Việt Nam, được cả thế giới đánh giá cao. Trên hết, kỳ tích này đến từ những quyết định mang tính lịch sử, táo bạo, đột phá chứng tỏ tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của Chính phủ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra công tác dựng cột đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1. Nguồn: Ảnh tư liệu
|
Hệ thống điện quốc gia từ đây được hình thành trên cơ sở liên kết lưới điện các khu vực Bắc - Trung - Nam thông qua trục “xương sống” là đường dây tải điện 500kV.
Mạch 2: Khẳng định “thương hiệu Việt”
Nếu đường dây 500kV mạch 1 thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và trình độ trí tuệ của những người làm điện thì thành công của công trình đường dây 500kV mạch 2 tiếp tục khẳng định “thương hiệu Việt” trong chế tạo thiết bị, thiết kế và thi công đường dây siêu cao áp.
Đường dây 500kV mạch 2 được thi công trong giai đoạn 2001 - 2005. Giai đoạn này, đường dây 500kV mạch 1 thường xuyên vận hành quá tải để truyền tải công suất từ Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ ra miền Bắc. Từ thực tế đó, lãnh đạo EVN đã mạnh dạn trình Chính phủ cho phép xây dựng đường dây 500kV mạch 2. Đây là một đề xuất táo bạo khiến không ít người hoài nghi về tính khả thi: Liệu Việt Nam có đủ trình độ triển khai công trình lớn như vậy không, bởi khi triển khai đường dây 500kV mạch 1 có chuyên gia nước ngoài làm tư vấn thiết kế, giám sát kỹ thuật, trực tiếp nghiệm thu, đồng thời đa số vật tư, thiết bị do nước ngoài chế tạo, sản xuất và cung cấp…
Đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên EVN đã bản lĩnh, tự tin lần lượt tháo gỡ từng vướng mắc. Tự tin - bởi trải qua quá trình xây dựng và phát triển, cán bộ công nhân viên EVN đã được tôi luyện, rèn giũa từ thực tiễn, dần hình thành được một đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân lành nghề làm nền tảng cho sau này.
EVN đã tổ chức để cả 4 công ty tư vấn xây dựng điện vào cuộc đồng bộ, từ khảo sát khoan lấy mẫu, thiết kế, cung cấp bản vẽ thi công kịp thời, nên công tác tổ chức đào móng đã được triển khai nhanh chóng.
Bên cạnh đó, giao 4 công ty truyền tải điện - những đơn vị sẽ tiếp nhận công trình sau khi hoàn thành, làm giám sát chất lượng thi công. Đây là một sáng kiến, vì chủ trương này đã đưa số lượng giám sát lên tới hàng nghìn người - một con số kỷ lục mà trước đây chưa một công trình quan trọng nào làm được.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam và cán bộ, kỹ sư chứng kiến thời khắc đóng điện tại Trạm biến áp 500kV Thường Tín vào ngày 23/9/2005, thông toàn tuyến đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 . Ảnh: EVNEIC
|
4 cung đoạn thành phần (Pleiku - Phú Lâm, Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín) lần lượt được đóng điện và đưa vào vận hành trong những thời điểm khác nhau đã nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác vận hành. Ngày 23/9/2005, toàn bộ đường dây 500kV mạch 2 đã chính thức đi vào vận hành.
Có thể nói, công trình đường dây 500kV mạch 2 về đích sớm với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế đặc biệt của Chính phủ cho phép thiết kế đến đâu, duyệt thi công đến đó. Đây cũng là công trình do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Mạch 3: “Trên dưới đồng lòng – Dọc ngang thông suốt”
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài khoảng 519 km, gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nam Định I - Thanh Hóa, Nam Định I - Phố Nối. Đây là đường dây mạch kép đi qua nhiều địa hình khác nhau nên có khối lượng thi công lớn hơn rất nhiều so với các đường dây khác đã thực hiện, đặc biệt thời gian xây dựng cũng vô cùng gấp rút - chỉ trong hơn 6 tháng!
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cùng các ban quản lý dự án đã thường xuyên kiểm tra công trường và điều hành tiến độ hàng ngày, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về mặt bằng và cung cấp vật tư thiết bị, nhận mặt bằng đến đâu tập trung nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu để tổ chức thi công ngay đến đó.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 3 lần kiểm tra công trường, 6 lần chủ trì các cuộc họp, ban hành nhiều công điện, văn bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công cho đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Ảnh: EVNEIC
|
Cùng với nhân lực của các nhà thầu đã huy động tối đa, EVN còn huy động hơn 3.300 cán bộ, kỹ sư có chuyên môn, tay nghề cao đến từ 5 Tổng công ty Điện lực và 4 Công ty Truyền tải điện tham gia thi công. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, các tập đoàn Viettel, VNPT, PVN và đoàn viên thanh niên của các tỉnh đoàn. Toàn công trường được tổ chức thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “4 tại chỗ”, “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc xuyên Lễ, Tết, ngày nghỉ”…
Mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, nhưng EVN/EVNNPT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các tỉnh. Đặc biệt là sự đồng hành, động viên, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp dự án về đích thần tốc.
Đi qua những ngày mưa như trút, nắng như rang, vượt qua những đỉnh núi cao chót vót, lởm chởm đá nhọn và cả những nơi chưa có dấu chân người, hàng chục vạn người làm điện với tinh thần và ý chí sắt đá, cùng một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ đã làm nên những kỳ tích đáng nể - xây dựng nên đường dây 500kV 3 mạch - “xa lộ” truyền tải điện Bắc – Nam, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, góp phần cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo nên những thanh âm mãi còn vang vọng về bản “hùng ca” của người lao động ngành Điện Việt Nam.
Đường dây 500kV Bắc Nam
|
Chiều dài
|
Ngày đóng điện
hoặc khánh thành công trình
|
Mạch 1
|
1.487 km
|
27/5/1994 |
Mạch 2
|
Trên 1.596 km
|
23/9/2005 |
Mạch 3
|
Khoảng 519 km
|
29/8/2024 |
PV
Share