Ai Cập điều chỉnh giảm mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo năm 2040

Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản Ai Cập, Karim Badawi cho biết nước này đã điều chỉnh mục tiêu năng lượng tái tạo của năm 2040 xuống còn 40% so với mục tiêu trước đó là 58%, đồng thời nhấn mạnh rằng khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của nước này trong nhiều năm.

Trước khi đăng cai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào năm 2022, Ai Cập đã cam kết nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 42% vào năm 2035, nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lượng bền vững. Tuy nhiên, trước những thách thức mới về kinh tế và nhu cầu điều chỉnh chiến lược, chính phủ nước này đã đẩy nhanh mục tiêu xuống năm 2030. Đến tháng 6 năm 2024, Bộ trưởng Điện lực Mohamed Shaker công bố một kế hoạch tham vọng hơn, đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 58% vào năm 2040. Dù vậy, kế hoạch này đã bị hủy bỏ và thay thế bằng mục tiêu thực tế hơn là 40%.

Tại Hội nghị Năng lượng Địa Trung Hải 2024, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản Karim Badawi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và thu hút đầu tư vào các dự án thăm dò tài nguyên trong khu vực, đặc biệt đối với khí tự nhiên. Ông cho biết đầu tư vào thăm dò và khai thác khí tự nhiên là điều cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong dài hạn.

Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản Ai Cập, Karim Badawi phát biểu trong một cuộc thảo luận nhóm cho hội nghị Gastech thường niên tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Việc Ai Cập tiếp tục đặt trọng tâm vào nhiên liệu hóa thạch diễn ra trong bối cảnh quốc gia này đang phải nỗ lực xây dựng lại lòng tin với các công ty dầu khí nước ngoài, sau khi hoạt động của các công ty này tại địa phương bị chậm lại do tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, khiến Ai Cập nợ hàng tỷ đô la.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 7, Bộ trưởng Badawi đã tích cực làm việc với nhiều công ty năng lượng quốc tế, trong đó có Eni của Ý - một công ty đang lên kế hoạch triển khai khoan giếng tại mỏ khí đốt lớn nhất Ai Cập, Zohr vào đầu năm 2025.

Mỏ Zohr đã từng đạt đỉnh sản lượng khai thác ở mức 3,2 tỷ feet khối/ngày vào năm 2019, giúp Ai Cập trở thành nước xuất khẩu ròng khí đốt. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, sản lượng này đã giảm xuống chỉ còn 1,9 tỷ feet khối/ngày, buộc quốc gia phải tăng cường nhập khẩu khí đốt thông qua các đường ống từ Israel và các chuyến hàng LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) để tránh việc phải thực hiện các kế hoạch cắt điện kéo dài trong nhiều tháng.

Bên cạnh đó, Ai Cập còn gia tăng nhập khẩu dầu nhiên liệu chứa hàm lượng lưu huỳnh cao, với mức nhập khẩu đạt đỉnh 255.000 thùng/ngày vào tháng 9, mức cao nhất kể từ năm 2016.


  • 24/10/2024 03:03
  • Nguyệt Hà (Theo Reuters)
  • 2812