Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê: Mối lương duyên với thủy điện (kỳ 1)

Được trìu mến đặt danh xưng là “cánh chim đầu đàn” trong giới chuyên gia về Thủy điện của Việt Nam, có thể nói, cả cuộc đời ông đã dành hết cho sự nghiệp phát triển thủy điện. Biết bao chuyện vui, buồn đã đi qua nhưng dường như mọi thứ ông vẫn muốn giữ cho riêng mình. Cuộc trò chuyện tại nhà riêng của ông hôm ấy, chúng tôi rất may mắn khi ông coi chúng tôi như con cháu trong nhà nên không nỡ từ chối những câu hỏi thậm chí liên quan đến cả cuộc sống riêng tư của mình. Với chất giọng đặc sệt miền Trung, ông say sưa kể về một thời đã qua – một thời rất đáng tự hào nhưng cũng nhiều trăn trở.

Tinh thần phục vụ, trách nhiệm là lẽ sống

Nhớ lại thời được Nhà nước cử sang Liên Xô học tập, ông Nê trầm ngâm: “Bạn bè thay nhau vào chiến trường miền Nam, mình thì sang Liên Xô học, suốt 6 năm đại học rồi làm nghiên cứu sinh, bao người ở nhà đã phải đổ máu trên chiến trường. Suy nghĩ lắm cháu ạ!”. Ông Nê dừng lại ít phút, như để cảm xúc trầm xuống, rồi tiếp lời: “Bác không hiểu hết suy nghĩ của thanh niên bây giờ, nhưng với thời của bác, tinh thần phục vụ, trách nhiệm chính là lẽ sống”.

Năm 1964, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ về lĩnh vực thủy công, trở về nước, ông Nê được phân công giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đúng 1 tháng sau, chưa kịp lên bục giảng giờ nào, ông nhận quyết định điều động về Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, sau đó, tình nguyện khoác ba lô đi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà tại tỉnh Yên Bái do Liên Xô giúp đỡ. Ít ai biết, vị phó tiến sĩ trẻ trung ngày ấy đã phải đấu tranh như thế nào, khi đánh đổi cuộc sống an nhàn với công việc giảng dạy ở Hà Nội và hạnh phúc bên người vợ mới cưới, để một mình đến nơi rừng thiêng, nước độc tham gia xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc.  

AHLĐ Thái Phụng Nê (thứ 3 từ phải sang), giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về tiến độ thi công TĐ Sơn La năm 2006 - Ảnh Lam Vũ

Mặc dù đường sá xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, song  với niềm đam mê công việc đã cuốn hút ông lao vào nghiên cứu xây dựng Nhà máy. Vì vậy, có khi cả năm trời ông không về Hà Nội thăm nhà. Cuối cùng, ông Nê cũng đành chia tay người vợ trẻ. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Nhưng chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc, cộng với công cuộc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã không cho phép ông có thời gian để buồn. Ông lại lao vào công việc. Ông bảo, lúc ấy đi đâu, làm gì cũng có cây súng trường bên cạnh, nghe còi báo động là xách súng nhảy xuống giao thông hào, chờ cho máy bay nhào xuống là bắn. Có lần địch ném bom vào công trường, làm chết 37 cán bộ, công nhân, xác đồng nghiệp nằm la liệt trên đất. Đau xót lắm! Thế nhưng, những ngày tháng vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa phải bảo toàn trang thiết bị, máy móc cho công trình đã rèn luyện ông, khơi dậy trong ông ngọn lửa nhiệt huyết.

3 năm lập tổng quan khai thác sông Đà

Cuối năm 1969, khi Đế Quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, công trường Thủy điện Thác Bà phát động phong trào thi đua lao động sôi nổi. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào đưa tổ máy số 1 vào chạy thử sớm nhất. Nhưng làm sao có thể lắp đặt tổ máy khi chưa tiến hành ngăn dòng, nước vùng hạ lưu vẫn tràn vào!?.Ông Nê cùng với các chuyên gia Liên Xô đã đề xuất giải pháp làm bờ bao sau nhà máy để ngăn nước, bên trong bờ bao vẫn thi công bình thường. Sáng kiến của ông được các lãnh đạo công trường đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, tổ máy số 1 sớm đi vào hoạt động. Việc đưa tổ máy số 1 vào vận hành sớm đã rút ngắn được thời gian thi công 1 năm. Nhưng ông Nê không chịu nhận thành tích về mình mà luôn coi đó là thành tích chung, sáng kiến của tập thể.

Năm 1971, sau khi hoàn thành tổ máy số 1, anh em công nhân tiếp tục bắt tay vào lắp đặt tổ máy số 2 và số 3. Đến tháng 2/1972, Đế Quốc Mỹ lại tiến hành ném bom miền Bắc. Những trận đánh ác liệt của Mỹ đã đánh sập hoàn toàn tổ máy số 1, làm hư hỏng nặng tổ máy số 2 và 3. Thời kỳ này, chỉ có Nhà máy Thủy điện Thác Bà và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí cấp điện cho Hà Nội. Khi Thủy điện Thác Bà bị đánh phá, nguồn điện cung cấp cho Hà Nội không còn đảm bảo vận hành liên tục được. CBCNV Nhà máy phải căng sức ra sửa chữa liên tục suốt ngày đêm. Đến năm 1975, Nhà máy Thủy điện Thác Bà mới phục hồi hoàn toàn.

Ông Thái Phụng Nê (người đeo cà vạt) cùng đoàn cán bộ tháp tùng Tổng Bí Thư Đỗ Mười đi thăm công trình Thủy điện Ialy. Ảnh do nhân vật cung cấp

Vừa hoàn tất công trình thủy điện Thác Bà, ông Nê được điều động đi nhận nhiệm vụ mới, chuẩn bị xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ông còn nhớ như in ngày khoác ba lô lên Hòa Bình, xung quanh chỉ có rừng núi, hoang vu. Suốt 3 năm “nếm mật nằm gai”, ông và các đồng nghiệp chuyên tâm vào việc nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình, lựa chọn tuyến, đi dọc sông Đà từ thượng nguồn đến hạ du, đo đạc, khảo sát những nơi dự kiến xây đập, để lập tổng quan khai thác sông Đà.

Theo ông Nê, từ những năm 1940 thực dân Pháp đã tiến hành khoan khảo sát thăm dò chọn tuyến trên đoạn sông từ Hòa Bình đến suối Rút. Kết quả chỉ thấy bên dưới có lớp dày cùi sỏi, kỹ thuật lúc đó chưa thể xử lý được nên đã kết luận “sông Đà bất trị”. Với những mũi khoan lần này trên cả 6 tuyến khảo sát gồm: suối Rút, suối Hoa, chợ Bờ, Hiền Lương, Hòa Bình trên và Hòa Bình dưới, câu hỏi đặt ra là liệu có thể xử lý lớp cùi sỏi, để có thể đảm bảo an toàn cho hạ lưu hay không!? Đây là một thời kỳ diễn ra những cuộc tranh luận rất gay gắt xung quanh việc chọn tuyến. Cơ bản có hai hướng chọn: Các chuyên gia đến từ thành phố Ba Cu chọn tuyến Hòa Bình trên. Các chuyên gia Matx-cơ-va lựa chọn tuyến Hòa Bình dưới. Cuộc tranh luận kéo dài 2 năm vẫn chưa ngã ngũ.

Cồn cào nỗi nhớ quê hương

Tháng 4/1975, ông Nê và một đoàn công tác được cử sang Ba Cu (Thủ đô của nước Cộng hòa Azekbaizan thuộc Liên Xô) và Matx-cơ-va (Thủ đô của Liên Xô) để tham khảo ý kiến từ phía bạn. Khi đoàn công tác về nước, riêng ông Nê ở lại theo chỉ đạo của cấp trên. Trên đường từ Ba Cu đến Matx-cơ-va, ông nhận được tin, ngày 30/4, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất. Tin vui đến bất ngờ làm ông quá xúc động, bàng hoàng và nghẹn ngào không nói lên lời. Là người con của miền Nam tập kết ra Bắc, lòng ông như lửa đốt, muốn trở về nước ngay để được gặp lại những người thân, được hòa mình vào không khí lịch sử của đất nước. Nhưng nhiệm vụ vẫn còn đó, đành ngậm ngùi gạt tình riêng tiếp tục ở lại làm việc.

Ông Grek Alek Grigorievich – Kỹ sư thủy công người Nga, đã từng làm việc cùng ông Thái Phụng Nê tại công trình Thủy điện Hòa Bình, trong nhật ký của mình có đoạn viết về câu chuyện nói trên: “Năm 1975, khi ông Nê đang làm việc ở Ba Cu, thì miền Nam giải phóng. Con tim ông như vỡ òa. Ông Giám đốc Viện Thiết kế Thủy công Malưsev – người trực tiếp chỉ đạo Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á, cũng đã đề nghị ông Nê ở lại một thời gian nữa. Viện sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định Đề án Thiết kế Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Ý kiến đóng góp của ông Nê cho Đề án này là vô cùng quan trọng. Và ông Thái Phụng Nê đã ở lại mặc dù trái tim ông đã gửi trọn cho quê hương Phú Yên mới giải phóng”. Sau khi trở về Việt Nam, ông lại dành toàn bộ thời gian, công sức cho công trình năng lượng lớn nhất lúc bấy giờ - Thủy điện Hòa Bình.

 

* AHLĐ Thái Phụng Nê sinh năm 1936, tại Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được cử đi Liên Xô học tại Trường Đại học Xây dựng Matx-cơ-va, chuyên ngành thủy công. Năm 1964, ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Trở về nước, ông  tình nguyện đi xây dựng thủy điện Thác Bà.Cuộc đời ông gắn bó với các công trình thủy điện: 7 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, rồi tham gia ở Yaly, Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi.Năm 2001, sau khi nghỉ hưu, ông được cử làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, chuyên theo dõi thi công công trình Thủy điện Sơn La, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.

* 78 tuổi, ông Nê vẫn còn khá nhanh nhẹn. Đôi mắt sáng và tinh thần minh mẫn,giọng nói  khúc triết, mạch lạc, logic, toát lên  khả năng làm việc phi thường của ông. Trong những câu chuyện ông kể, tôi cảm nhận được, ông chẳng màng danh lợi, luôn mang hết sức lực, trí tuệ, tinh thần, phục vụ công việc mà ông yêu thích - xây dựng các công trình thủy điện.

Trong quá trình thực hiện loạt bài về cuộc đời, sự nghiệp của AHLĐ Thái Phụng Nê, tôi đã gặp nhiều đồng nghiệp của ông trong những năm tháng lăn lộn trên các công trình thủy điện. Tất cả  đều có chung nhận xét: Ông là người của hành động, luôn tận tụy, hy sinh cho đất nước.

(Còn tiếp)


  • 25/02/2015 08:08
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4935


Gửi nhận xét