Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp bàn phương án điều hành liên hồ lưu vực sông Hồng

Ngày 28/9, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp bàn phương án điều hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng, trọng tâm là hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình.

Theo quy định hiện hành, từ ngày 16 đến 30/9, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng được phép tích đến mực nước dâng bình thường. Cụ thể, hồ thủy điện Sơn La được tích ở mức 215m, hồ thủy điện Hòa Bình được tích ở mức 117m.

Đến 9h ngày 28/9/2020, mực nước các hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình đã gần đạt đến mực nước dâng bình thường.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp 

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia - ông Vũ Đức Long cho biết: Dự báo từ ngày 30/9 đến 2/10, lượng mưa đổ về các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng có xu thế giảm. Khoảng từ ngày 4/10 đến ngày 12/10, lưu vực sông Hồng có khả năng xảy ra mưa rào. Từ ngày 12 đến cuối tháng 10, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa nhưng chưa có dấu hiệu mưa lớn. Từ tháng 11 đến cuối năm 2020, tổng lượng mưa tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm.  

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Qua hơn 2 năm, lưu vực sông Đà mới có nguồn nước về tương đối tốt. Đây là nguồn nước rất quý cho phát điện, cũng như phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm tới và đảm bảo nước cho nhu cầu sinh hoạt của hạ du. Hiện nay, Tập đoàn huy động tối đa công suất các hồ chứa trên nhánh sông Đà (trừ một số giờ ban đêm không huy động tối đa do phụ tải giảm).

Để tối ưu nguồn nước nhằm đảm bảo hiệu quả phát điện và kinh tế, Tập đoàn đề nghị cho tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La đến 217,83 mét. EVN đã chỉ đạo Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức kiểm tra để đảm bảo an toàn công trình. EVN sẽ thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tại nhằm đưa ra giải pháp vận hành đóng, xả hồ chứa kịp thời.

Báo cáo thêm tại cuộc họp, ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Từ ngày 24/9, Công ty Thủy điện Sơn La đã phối hợp với các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà để tính toán dâng mực nước hồ chứa thủy điện Sơn La. Ngày 26/9, Công ty phối hợp với UBND tỉnh Sơn La kiểm tra đập, hành lang hồ chứa đảm bảo an toàn công trình khi tích nước hồ chứa cao hơn mực nước dâng bình thường. 

Năm 2013, được sự cho phép của các cơ quan chức năng, Công ty cũng đã tích nước mực nước hồ chứa trên 217 mét để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và kết quả cho thấy công trình hoàn toàn đảm bảo an toàn. 

“Nếu được tích lên 217,83 mét, không những tăng lợi ích phát điện cho NMTĐ Sơn La mà còn giúp không phải xả điều tiết hồ thủy điện Hòa Bình. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, với lưu lượng nước về cao nhất trong thời gian tới khoảng 3.400m3/s thì đến ngày 6/10 mới đạt 217,83 mét; mức thấp nhất 2.700 m3/s thì mực nước sẽ giảm trong thời gian tới. Vì thế, Công ty kiến nghị cho phép tích nước nhằm đảm bảo mục đích kinh tế cho Nhà nước. Công ty cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình”, ông Khương Thế Anh cho biết.

Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - ông Trần Quang Hoài, tình hình mưa lũ hiện rất phức tạp. Do đó, việc quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng cần bảo đảm an toàn, cũng như đáp ứng được yêu cầu về sản xuất về kinh tế. “Trên cơ sở phân tích dữ liệu của các đơn vị, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tổng hợp, có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo để xin ý kiến chỉ đạo việc tích nước hoặc xả lũ hồ chứa…” - ông Trần Quang Hoài cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương thuộc lưu vực sông Hồng (bao gồm cả Hà Nội) sẵn sàng điều kiện cần thiết để vận hành xả lũ hồ chứa trên lưu vực sông Hồng khi có lệnh của Phó Thủ tướng, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong bất cứ tình huống nào.


  • 28/09/2020 04:49
  • Bài, ảnh: Lê Việt
  • 3552