Theo Ban Tổ chức và Nhân sự EVN (Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN), thực hiện Chỉ thị số 991/CT-EVN được Hội đồng thành viên EVN ban hành từ đầu năm 2022, có tổng số 31 nhiệm vụ cụ thể mà EVN và các đơn vị thành viên cần triển khai về công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp năm 2022. Tính đến hết tháng 8, EVN đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, trong đó đã bổ sung, hoàn thiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (ĐMDN) của EVN giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chủ trì phiên họp thứ hai năm 2022 của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN.
|
Ngoài ra, EVN cũng đã xây dựng các đề án lớn phục vụ đề án tổng thể như: Đề án mô hình tổ chức theo hướng quản trị tập trung; rà soát mô hình tổ chức và định biên lao động các tổng công ty phát điện, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; kiện toàn chức năng nhiệm vụ và điều chỉnh mô hình tổ chức của Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin; sửa đổi Điều lệ các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Phát điện 1 để thoái vốn theo Nghị định 140.
EVN cũng tích cực triển khai thực hiện các đề án có vai trò quan trọng đối với công tác quản trị doanh nghiệp của tập đoàn như: Chiến lược phát triển EVN, Đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong EVN, Đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVN,... Trong đó, tính đến ngày 30/6/2022, EVN đã hoàn thành 26/73 giải pháp trong Đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và đang tiếp tục thực hiện 47 giải pháp còn lại.
Dù vậy, công tác sắp xếp, ĐMDN của EVN vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: Đề án tổng thể sắp xếp, ĐMDN của EVN giai đoạn 2021-2025 chưa được phê duyệt; công tác quyết toán cổ phần hóa EVNGENCO 2, EVNGENCO 3 còn gặp nhiều khó khăn...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, công tác thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng EVN đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả, vượt qua những khó khăn để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại tập đoàn, cũng như vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.
Cụ thể, EVN sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để quyết toán cổ phần hoá EVNGENCO 3 - CTCP, EVNGENCO 2 - CTCP; thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ - EVNGENCO 1 theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Về công tác thoái vốn, giảm vốn, EVN sẽ tổ chức thực hiện thoái vốn, giảm vốn của EVN tại các doanh nghiệp khác theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021- 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo Danh mục chuyển nhượng vốn được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, trong quá trình thực hiện triển khai các đề án nhằm nâng cao năng lực quản trị của EVN, các đơn vị nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần kịp thời có ý kiến để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Theo kế hoạch đề ra, trong 4 tháng cuối năm 2022, EVN sẽ tiếp tục triển khai và phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ về sắp xếp, ĐMDN theo Chỉ thị 991 và chương trình công tác năm 2022; duy trì công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trong các quy chế quản lý nội bộ của EVN.
Ngoài ra, EVN sẽ tiếp tục chủ động góp ý với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của EVN; tiếp tục xây dựng Đề án đổi mới sáng tạo trong EVN, trình HĐTV trong tháng 12/2022.