Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai: Chủ động ứng phó với tình trạng động đất tại Kon Tum

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngày 19/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, đia phương liên quan để đánh giá tình hình.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kon Tum, Viện vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum và những địa phương liên quan.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị

Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất vừa qua tại Kon Tum đều là các trận nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không gây rủi ro về thiên tai. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Kon Tum đã xảy ra hàng chục trận động đất. Đây cũng là khu vực có nhiều hồ thủy điện nên Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

Khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới. Đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 15/4, tỉnh Kon Tum có mưa lớn. Theo ghi nhận của Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (dung tích hồ chứa 145 triệu m3), tại nhà máy có rung chấn nhẹ. Qua kiểm tra công trình đập, các tổ máy, hiện nay công trình đang vận hành bình thường.

Còn theo ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đang tích nước đến mức 1.153,1 m, so với mức nước dâng bình thường là 1.160m, tức là còn 7m nước nữa mới đến mức dâng bình thường. Dung tích toàn bộ mới chỉ đạt 73%. Dung tích hữu ích để phục vụ sản xuất điện đạt 61%. Hiện đang giữa mùa khô ở Tây Nguyên, vì vậy, mực nước hiện tại không quá lớn so với dung tích của hồ (hiện mới tích được 106 triệu m3). Về mặt kỹ thuật, vẫn đảm bảo quá trình vận hành nhà máy, không có vấn đề gì ngoài kiểm soát.

Ông Phạm Trọng Thực đề nghị các cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí nhất quán, tránh gây hoang mang dư luận.

Ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn EVN (giữa) trình bày hiện trạng hồ, đập Thủy điện Thượng Kon Tum

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, đảm bảo sơ tán mọi công dân trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp tích cực với Viện Vật lí địa cầu để khẩn trương tìm ra nguyên nhân và nguy cơ xảy ra động đất, cắm biển cảnh báo kịp thời, xây dựng và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn ứng phó tới người dân. Ngoài ra, cần sớm đánh giá đúng nguy cơ động đất trong thời gian tới để lên phương án và kịch bản ứng phó cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân.