Tình trạng lấn chiếm, xâm phạm hành lang tuyến ngày càng tăng cả về quy mô và tính chất, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện an toàn, liên tục của hệ thống điện Quốc gia.
Số liệu của Ban An toàn (EVNNPT) đưa ra cho thấy, tính đến giữa tháng 9, trên địa bàn cả nước có khoảng 450 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, phần lớn đã được các đơn vị quản lý vận hành và Ban quản lý dự án xử lý.
Địa bàn xảy ra các vụ vi phạm nhiều nhất tập trung ở miền Bắc và miền Nam. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án và các đơn vị truyền tải với chính quyền địa phương nhưng việc xử lý một số vi phạm vẫn chưa rốt ráo do một số bất cập trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Kinh doanh các vật dụng cồng kềnh dưới hành lang lưới điện tiềm ẩn nguy cơ vi phạm
|
Ông Nguyễn Đình Thọ, Trưởng Ban An toàn cho biết, trên thực tế, nhiều hộ dân và chủ công trình đã nhận tiền đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quyết định của UBND tỉnh, huyện quy định nhưng vẫn chưa di dời hoặc chưa thực hiện các cam kết di dời. Các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, đường đi, sân phơi quần áo, lán trại tạm… vẫn được xác định là vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Đồng thời do dân cư tập trung đông và tốc độ đô thị hóa nhanh nên khu vực các huyện Bình Chánh và Củ Chi (Tp.Hồ Chí Minh), Bình Dương, Vùng Tàu là những địa phương còn tồn tại nhà ở, công trình vi phạm trong hành lang an toàn.
Một nguyên nhân cũng được Ban An toàn nêu ra là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn diễn ra do một số tỉnh chưa có hướng dẫn đơn giá bồi thường chặt hạ cây (không có thu hồi đất) theo hướng dẫn của Nghị định 14/2014/ND-CP.
Hay như lúc ban đầu làm dự án thì áp dụng thực hiện ở 1 Nghị định, lúc nghiệm thu đóng điện lại có Nghị định mới, dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn, giải thích cho người dân do có sự thay đổi về cơ chế, tỷ lệ % mức chi trả, loại đất và tài sản đền bù…
Tuy số sự cố do vi phạm hành lang an toàn đường dây ngày càng giảm qua các năm nhưng tình hình vi phạm lại ngày càng diễn biến phức tạp do đó EVNNPT đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu và hiệu quả nhất chính là đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư.
Theo đó, các Truyền tải điện thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ đường dây 500 kV, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây 220 kV, 500 kV nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn để chủ động phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại các trường học, xã, huyện, thị xã, thị trấn; Tiến hành cổ động, diễu hành bằng xe, phát loa tuyên truyền ở các vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết cho nhân dân không vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp….
Để tăng cường trách nhiệm của địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác bảo vệ hành lang an toàn, các đơn vị truyền tải đã tổ chức ký hợp đồng bảo vệ đường dây 220 kV, 500 kV với chính quyền địa phương, Công an, Quân đội trên phạm vi cả nước. Tổ chức hàng trăm hội nghị về phòng chống cháy rừng với các Đơn vị kiểm lâm, nông lâm trường, chủ rừng.
Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ dân sinh sống gần các tuyến đường dây thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Do vậy, các đơn vị đã ký hàng trăm nghìn bản cam kết phòng chống cháy rừng với hộ gia đình có rẫy - rừng dọc hành lang Đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1, 2 và đoạn từ Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông) và ký Biên bản phối hợp phòng chống cháy rừng với các Hạt Kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua.
Vào những ngày lễ, Tết, các Công ty Truyền tải điện phối hợp với công an các tỉnh, thành tiến hành hàng chục đợt kiểm tra các đơn vị hợp đồng bảo vệ, yêu cầu thực hiện nghiêm công tác bảo vệ theo hợp đồng đã ký kết.
Theo EVNNPT, trên cơ sở phương án chống cháy hành lang tuyến mùa khô năm 2016, các Công ty Truyền tải điện lập lịch cụ thể kiểm tra và phát dọn cây, cành cây, lá cây khô, các vật dễ cháy có nguy cơ gây cháy trong hành lang tuyến đường dây, lập các hành lang chống cháy lan vào đường dây.
Đối với vùng trồng mía, các đơn vị làm việc với các Nhà máy đường, trạm thu mua nông vụ để ưu tiên thu hoạch trước các ruộng mía trong và gần hành lang an toàn đường dây giảm nguy cơ cháy những ruộng mía này.
Định kỳ hàng tháng (mùa mưa), 3 tháng (mùa khô) kiểm tra, phát dọn sát gốc các mầm cây tạp, le, lau, lách và di chuyển thực bì ra khỏi hành lang tuyến.
Tiến hành các đợt chặt cây, tỉa cành đối với cây cao có khả năng ngã đổ, ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây cao áp.
Cùng với đó, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị thay thế, bổ sung hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa tại các công trình vượt sông, kênh; tăng cường cách điện tại 12 khoảng đường dây vượt qua đường sắt công cộng, đường thủy có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các khoảng đường dây giao chéo gần đường ôtô.
Đồng thời cải tạo, nâng cao khoảng cách dây dẫn - đất tại các vị trí vượt đường bộ, đường thuỷ để hạn chế các phương tiện va quệt vào đường dây.
Nhờ tích cực khiển khai các giải pháp đồng bộ này mà từ đầu năm đến nay, EVNNPT đã hạn chế tối đa sự cố do vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, hiện Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Tuy nhiên thực tế giá cả để thực hiện đền bù theo đơn giá do UBND tỉnh lập, duyệt, trong khi đối với đất bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác thì thực hiện theo giá thỏa thuận, vì vậy đã tạo sự chênh lệch trong đền bù, ảnh hưởng tới quyền lợi của tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.
Đây là một trong các nguyên nhân gây khiếu kiện phức tạp ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Hậu Giang, Tiền Giang….
Do đó, trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, EVNNPT gặp rất nhiều khó khăn, như: người dân cản trở không cho chặt, tỉa cây cao trong hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới truyền tải điện Quốc gia vì cho rằng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được thỏa đáng.
“Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách về đất đai nhất quán, ổn định nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án”, EVNNPT kiến nghị.
Một vấn đề nữa là đối với nhiều tuyến đường dây xây dựng trước năm 2005 được xây dựng theo Quy phạm trang bị điện 1984 và các văn bản dưới luật như Nghị định 70/HĐBT ngày 30/4/1987, Nghị định 54/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 nhưng sau đó do tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Nếu cải tạo toàn bộ hệ thống truyền tải này sẽ đòi hỏi kinh phí lớn và vướng quy định của pháp luật.
Hiện nay các loại công trình do chính quyền, tổ chức, cá nhân với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như UBND là chủ đầu tư (công trình sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng), doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh), hộ gia đình (làm nhà ở, chăn nuôi, kinh doanh ...).
Do vậy, EVNNPT cũng kiến nghị Nhà nước cần có quy định về nguồn vốn trong việc giải quyết các tồn tại của lưới điện khi thay đổi quy định, chính sách, quy hoạch về Quy phạm trang bị điện và hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Lại một mùa mưa bão đã đến, để đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Trưởng Ban An toàn EVNNPT khuyến cáo người dân cần phải giữ khoảng cách an toàn khi làm việc hoặc di chuyển dưới hành lang tuyến.
Khi phát hiện dây dẫn bị đứt nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và báo ngay cho đội truyền tải điện gần nhất. Các đội truyền tải điện hiện đã cung cấp cho người dân số điện thoại để liên lạc khi cần thiết.
Ngoài ra, nhân viên đường dây cũng thường xuyên liên lạc với người dân để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp ngăn ngừa vi phạm.
Theo TTXVN
Share