Có lẽ chưa năm nào hiện tượng thời tiết bất thường lại diễn ra trên diện rộng như năm nay. Từ hiện tượng xâm nhập mặn ở miền Nam, hạn hán kéo dài ở miền Trung - Tây Nguyên, đến những trận mưa gây ngập úng nhiều nơi sau những đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc.
Hệ thống lưới truyền tải 220 kV, 500 kV do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý trải rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Đèo Ngang – Hà Tĩnh trở ra). Đường dây đi qua nhiều địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi, sông suối…, giao thông đi lại khó khăn đặc biệt trong mùa mưa bão.
Cần cẩu vươn cao có nguy cơ gây sự cố lưới điện cao áp
|
Địa hình thì như vậy còn trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, văn hoá... từng vùng miền khác nhau cũng gây khó khăn trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định về bảo vệ an toàn lưới điện.
Một số tuyến đường dây đi qua vùng đông dân cư, liên quan đến đất đai của người dân nên trong quản lý vận hành gặp nhiều khó khăn; trong đó chính sách đền bù hỗ trợ khi xây dựng đường dây, trạm biến áp còn những bất cập.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá, tình hình phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp có liên quan đến hành lang lưới điện ngày càng gia tăng.
Chưa kể, phong trào chơi, thả diều tại một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng và Nam Định có chiều hướng gia tăng và còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hệ thống truyền tải điện.
Mặt khác, hệ thống lưới truyền tải 220 kV, 500 kV thường xuyên vận hành trong chế độ đầy hoặc quá tải. Thậm chí, một số tuyến đường dây đã vận hành trên 30 năm, đặc biệt là khu vực quanh Hà Nội cũng là những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.
Đáng chú ý, theo Công ty Truyền tải điện 1, khi có vụ việc vi phạm an toàn lưới điện xảy ra, công tác phối hợp cơ bản đã được chính quyền, các ban ngành tại địa phương quan tâm nhưng vẫn còn một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền tải điện để giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm. Vì vậy, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, người dân gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành.
Theo ông Phạm Lê Phú – Giám đốc Công ty, vì những đặc thù đó mà trong những năm qua, tình hình vi phạm hành lang lưới điện 220 kV, 500 kV gây nguy cơ sự cố lưới truyền tải điện trên địa bàn các tỉnh thành miền Bắc do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý diễn ra rất phức tạp, đa dạng về hình thức và đối tượng vi phạm.
Đơn cử như 3 sự cố xảy ra từ đầu năm đến nay trên tuyến đường dây 220 kV Bắc Giang – Thái Nguyên thuộc địa phận huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) do người dân chơi thả diều; hay sự cố đường dây 220 kV Đồng Hòa - Hải Dương 2 - Thái Bình do người dân tại huyện An Dương (thành phố Hải Phòng) chơi bóng bay làm tuột bóng bay lên mắc vào đường dây gây sự cố. Gần đây nhất, ngày 19/8 vừa qua đã xảy ra sự cố đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa phải ngừng vận hành trong 13 giờ 29 phút. Nguyên nhân do 2 hộ dân ở xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã tự ý dựng 2 cột thép cao gần bằng dây dẫn tại khoảng cột 175-176, khi có gió mạnh (ảnh hưởng của cơn bão số 3) vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố.
Có khu vực như tỉnh Hưng Yên khi xây dựng bến xe khách tại huyện Mỹ Hào đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tại các địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình, Đại Từ - Thái Nguyên và Hòa Bình, người dân cố tình trồng cây cao phát triển nhanh trong và ngoài hành lang đường dây vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP….
Bắt quả tang đối tượng lấy cắt thanh giằng cột điện tại Quốc Oai (Hà Nội)
|
Ông Phạm Lê Phú cho biết, nguyên nhân xảy ra chủ yếu do ảnh hưởng của cơ chế chính sách trong công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Người dân chưa có ý thức hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, mặc dù đã được các cấp các ngành tuyên truyền vận động. Ngay cả các cơ quan chức năng tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm.
Trên thực tế, thời gian qua, chính quyền các cấp tại một số địa phương đã có sự quan tâm trong công tác phối hợp tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới truyền tải điện.
Đặc biệt đã có sự vào cuộc của Ban chỉ đạo bảo vệ lưới điện cao áp tại một số địa phương. Bên cạnh đó, Công ty Truyền tải điện 1 đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lưới truyền tải điện với Công an 27/27 tỉnh có lưới truyền tải điện đi qua (đạt 100%). Hiện chỉ còn tỉnh Lạng Sơn chưa có hệ thống lưới điện 220kV-500kV đi qua.
Mặc dù 9 tháng qua, tình hình vi phạm hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn các tỉnh miền Bắc giảm 73% so với cùng kỳ, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cũng như đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực nhưng Công ty Truyền tải điện 1 cũng không chủ quan với những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra.
Vì vậy, Công ty đã xây dựng chương trình khung tuyên truyền các quy định của Nhà nước, của ngành về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và phối hợp với chính quyền, các ban ngành tại địa phương triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền theo hoạch từng quý/năm.
Cùng với việc chủ động thực hiện triệt để các giải pháp kỹ thuật như nâng cao khoảng cách pha đất (đối với khu vực có khoảng cách pha đất không đảm bảo theo quy định), xử lý phát quang các khoảng cột có điểm sạt sườn, trường hợp cần thiết lập phương án san ủi điểm sạt sườn có nguy cơ vi phạm…., các Truyền tải điện còn chủ động phối hợp với chính quyền, các ban ngành tại địa phương trong công tác tuyên truyên vân động và phối hợp xử lý các vụ việc có nguy cơ vi phạm an toàn lưới điện cao áp ngay từ khi mới phát sinh vụ việc.
Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương để tuyên truyền về các hành vi nghiêm cấm và hậu quả của việc vi phạm an toàn lưới điện cao áp để tổ chức, cá nhân biết và phối hợp.
Mặt khác, Công ty cũng tăng cường kiểm tra công tác quản lý kỹ thuật toàn diện tại các đơn vị trực thuộc và kiểm tra trực tiếp tại các Đội truyền tải điện.
Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương/khu vực cũng như tính chất và tầm quan trọng của các tuyến đường dây để Công ty có giải pháp cụ thể khắc phục.
Đối với những tuyến đường dây huyết mạch quan trọng, Công ty thường xuyên phối hợp với công an các địa phương kiểm tra và giám sát đối với lực lượng bảo vệ các tuyến đường dây này.
Ngoài ra, để công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp hiệu quả, theo ông Phạm Lê Phú, cùng với việc đề nghị chính quyền các cấp tại địa phương xây dựng và đưa chương trình tuyên truyền bảo vệ lưới điện cao áp thành 1 chuyên mục của báo/đài phát thanh truyền hình tại địa phương, nhất thiết chính quyền, các ban ngành tại địa phương cũng cần phối hợp với đơn vị quản lý vận hành giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm và có nguy cơ vi phạm do tổ chức, cá nhân gây ra. Đặc biệt là các trường hợp cố tình vi phạm.
“ Khi có vụ việc vi phạm xảy ra đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Điện lực theo đúng quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ”, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 đề xuất.
Bên cạnh đó, chính quyền, các ban ngành tại địa phương xem xét và đề nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ lưới điện cao áp tại địa phương. Có như vậy, công tác chỉ đạo và phối hợp giải quyết các vụ việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp mới hiệu quả.