Bí quyết dùng điện chỉ từ 300 - 500 ngàn đồng mùa nắng nóng

'Sao tiền điện tháng này tăng gấp đôi thế nhỉ, mà có dùng gì điện đâu. Cả nhà tôi đi cả ngày, tối mới về mới dùng đến điện". "Uh, nhà tôi cũng thế, chẳng hiểu mấy ông điện lực tính toán kiểu gì'. Bất cứ lúc nào vào đầu mùa nắng nóng của miền Bắc, tôi lại nghe than thở trên nhóm Zalo của chung cư về bài ca muôn thuở như vậy.

Hàng xóm nhà tôi cũng luôn than phiền là tiền điện tăng đột ngột mặc dù họ không dùng gì mấy. Từ 5 hay 6 năm nay tôi đã quen với việc này nên chỉ cười trừ.

Tôi biết rất rõ nhà bà A kêu, nhà anh B than về tiền điện nhưng trong nhà họ dùng đủ các thể loại thiết bị điện công suất lớn, như điều hòa, bếp điện, bình nóng lạnh .v.v. Cái mà các anh các chị hàng xóm của tôi không nhận thấy rằng tiền điện thay đổi hoàn toàn phù hợp khi thời tiết miền Bắc thay đổi liên tục, từ mùa đông rét căm căm mà ngay sau đó lại nóng chảy mỡ luôn. 

Vào mùa đông, hầu hết tất cả các thiết bị ngốn điện nhất như điều hòa, quạt đều không được sử dụng, con người có xu hướng là về quê, đi chơi trong dịp nghỉ lễ, tết và sau đó mãi gần đến chớm đầu Hè thì lúc ấy cuộc sống mới trở lại bình thường thì va ngay phải trời nóng. 

Khi trời nóng, chúng ta thường lười đi ra ngoài hơn, vì trong nhà mát hơn. Tiếp đó là cách chia bậc thang tiền điện và tính giá điện cao hơn tại giờ cao điểm mà mọi người vô tình quên mất. Một sự tính toán khá công bằng, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít. Đây cũng chính là các nguyên nhân mà các hộ gia đình "cảm thấy" tiền điện dường như nhảy múa mỗi khi hè về.

Gian bếp nhỏ tiện lợi của nhà tôi

Một số kinh nghiệm, cách dùng điện tiết kiệm và hiệu quả

Hàng xóm luôn thắc mắc là tại sao gia đình tôi tiền điện lúc nào cũng chỉ quanh quẩn ngưỡng 200 ngàn đồng cho mùa mát và 300 - 500 ngàn đồng cho mùa nắng nóng. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm, cách để dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Nhà tôi cũng dùng bếp điện, nhưng là bếp từ, chứ không phải bếp hồng ngoại. Bếp từ thì phần sử dụng năng lượng triệt để hơn rất nhiều so với bếp hồng ngoại và nó không sinh nhiệt năng dư thừa, từ đó phòng bếp sẽ mát hơn.

Dùng quạt điều hòa tiết kiệm hơn khoảng từ 3-5 lần so với điều hòa. Chi phí đầu tư rẻ chỉ khoảng 2 đến 3 triệu đồng, công suất chỉ cần từ 120W. Cửa sổ và cửa ban công thường mở làm cho căn phòng thoáng đãng hơn. Tầm 4 năm nay, gia đình tôi không dùng đến điều hòa và cảm thấy những lợi ích thiết thực về sức khỏe. Mỗi sáng thức dậy cảm thấy thoải mái và sảng khoái, những bệnh về hô hấp như nghẹt mũi đều không tái phát.

Tiếp đến là tủ lạnh, đây là thiết bị thiết yếu không thể thiếu ở bất cứ gia đình nào ngày nay, nó sẽ tốn nhiều điện hơn vào mùa nóng. Điều này thì không thể thay đổi được, nhưng tôi có một gợi ý như sau. Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên cho một bát nước lớn vào ngăn đá và vào buổi sáng trước khi đi làm thì bỏ bát nước đã đóng đá đó xuống ngăn mát. Điều này đã được chứng minh giúp hỗ trợ giảm tải công suất của tủ lạnh xuống khá nhiều, từ đó giúp giảm tiền điện.

Quý anh chị độc giả để ý xem sẽ thấy những thói quen sử dụng điện của mình là một vòng lặp tương hỗ lẫn nhau: Sử dụng bếp từ ít sinh ra nhiệt lượng dư thừa không gây nóng không gian xung quanh, cửa sổ mở từ đó căn phòng sẽ nhiều gió lưu thông giúp phòng thoáng mát hơn 🡪 tủ lạnh sẽ hoạt động nhẹ nhàng hơn khi không gian trong nhà có gió lưu thông, nhiệt độ không quá cao 🡪 khi nhiệt độ không quá cao, thì bạn sử dụng quạt điều hòa sẽ cảm thấy mát mẻ hơn rất nhiều 🡪 số điện sẽ ít, chỉ số càng ít thì giá tiền càng rẻ hơn so với chỉ số cao.

Điện là một dạng năng lượng được lấy từ tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, nhiệt điện là chính, điều đó đồng nghĩa với việc, nếu chúng ta sử dụng tiết kiệm điện, cũng chính là đang bảo vệ chính chúng ta và con cháu chúng ta khỏi các thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.

 

Link gốc


  • 02/05/2024 04:35
  • Theo thanhnien.vn
  • 3209