Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII - cho biết, để làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung chính của Quy hoạch điện VIII, tư vấn đã tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 liên quan tới việc phát triển phụ tải, phát triển nguồn và lưới điện để tìm ra các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Kết quả rà soát cho thấy, tình hình thực hiện phụ tải trong giai đoạn vừa qua khá tốt, đạt 97,8%. Tình hình xây dựng nguồn điện đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch. Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng lại khác biệt, các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% trong khi các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%. Tỉ lệ hoàn thành xây dựng các trạm biến áp 500kV đạt 73%, đường dây 500kV đạt 88%, các trạm 220kV đạt 77% và đường dây 220kV đạt 84%.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Nguồn ảnh: VGP |
Các kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng cho thấy, nhu cầu điện trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với kết quả dự báo trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giảm khoảng 3-4 tỷ kWh vào năm 2020 và 9-10 tỷ kWh vào năm 2030. Cơ cấu tiêu thụ điện theo vùng miền có thay đổi đáng kể với tỷ trọng lớn hơn của miền Bắc. Nhu cầu điện giai đoạn 2021-2030 vẫn đạt mức tăng dự kiến khoảng 8%/năm.
Viện cũng đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện với các điều kiện đầu vào khác nhau. Theo đó, kịch bản được lựa chọn là kịch bản bảo đảm các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết số 55-NQ/TW. Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32%, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050.
Đặc biệt, theo phương án chọn này, tỉ lệ nhiệt điện than sẽ giảm dần từ mức 42% hiện nay xuống còn khoảng 36% vào năm 2035 và khoảng 31% vào năm 2045. Trong giai đoạn 2020-2030, sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới ngoài các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII cần phân tích kỹ hơn bối cảnh, cục diện tình hình mới, cả trong nước và quốc tế, về chính trị, thương mại, đầu tư, hội nhập, tính toán kỹ tính khả thi thực hiện. Hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ đang tích cực để hoàn thiện bản Quy hoạch, trình Chính phủ vào tháng 10/2020.
Sau khi nghe các báo cáo, phân tích và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra với Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quy hoạch điện VIII phải được xây dựng một cách khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII hiện nay, đồng thời có tính định hướng, không cứng nhắc và mang tính mở, tạo ra không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phải đưa ra được phương án, lựa chọn kịch bản tối ưu về tổng công suất từng giai đoạn, từng thời kỳ; có những đánh giá, dự báo dựa trên xu hướng sử dụng năng lượng sạch, công nghệ tiết kiệm điện; phù hợp với cơ cấu các ngành kinh tế; xác định cơ cấu điện năng hợp lý để giảm chi phí hệ thống, hạ tầng, đồng thời bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường.
Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,...
Quy hoạch cũng cần bố trí không gian phát triển điện năng của các vùng, căn cứ vào tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, địa phương. Quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả; nhanh chóng quy hoạch hệ thống hạ tầng, kho cảng cho khí LNG, than, đường ống dẫn khí,...
“Trên cơ sở quy hoạch định hướng, phải tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch. Trong đó, xác định rõ kế hoạch phát triển các nguồn điện và hệ thống truyền tải cho các giai đoạn 5 năm, 10 năm và hằng năm làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ phải được phê duyệt ngay trong năm 2020.
Đức Dũng
Share