Về phía Cộng hòa Séc, còn có Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam - ông Hynek Kmonicek.
Cùng tiếp và làm việc với đoàn công tác, còn có Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tài Anh cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tập đoàn.


Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn (chính giữa) tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác cấp cao của Bộ Công Thương Cộng hòa Séc
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ tổng quan về tình hình phát triển hệ thống điện quốc gia, đồng thời nhấn mạnh các thách thức mà ngành Điện Việt Nam đang phải đối mặt.
Hiện nay, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 85.000MW, với cơ cấu nguồn điện đa dạng gồm thủy điện, nhiệt điện than, điện khí và năng lượng tái tạo. Trong đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 28% tổng công suất nguồn.
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển khoảng 183.000MW tổng công suất nguồn, trong đó ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo và các nhà máy điện khí LNG.
Bên cạnh đó, với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050, EVN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải tiến công nghệ, chuyển đổi nhiên liệu sạch hơn cho các nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, việc nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện truyền tải cũng trở thành yêu cầu cấp thiết để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định và bền vững trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng nhanh.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết, một trong những thách thức lớn của Việt Nam là đảm bảo an toàn cung ứng điện trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. Với bề dày kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, Cộng hòa Séc được EVN đánh giá là đối tác tiềm năng, có thể chia sẻ nhiều giải pháp về công nghệ và mô hình quản lý vận hành phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc Lukas Vlcek bày tỏ kỳ vọng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với EVN trong thời gian tới
Bộ trưởng Lukas Vlcek cho biết cơ cấu nguồn điện của Séc hiện nay chủ yếu dựa vào nhiệt điện và điện hạt nhân. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050, trong đó khoảng 50% sản lượng điện sẽ đến từ năng lượng hạt nhân và 50% từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và các doanh nghiệp Séc đang tập trung đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo mới, mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng lưới điện truyền tải, đồng thời cũng thực hiện cải tạo các nhà máy nhiệt điện để chuyển đổi nhiên liệu sạch hơn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu của Séc mong muốn được hợp tác chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân, cải tiến nhiệt điện và phát triển năng lượng tái tạo với phía Việt Nam.
Phía Cộng hòa Séc cũng đề xuất mở rộng hợp tác với EVN trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo kỹ sư, cán bộ quản lý, vận hành các nhà máy điện hạt nhân, nhiệt điện và các lĩnh vực công nghệ cao liên quan.
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, kết nối giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và viện nghiên cứu của hai nước, qua đó nghiên cứu, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam và Cộng hòa Séc trong giai đoạn tới.
Nguyệt Hà
Share