Hỏi:
Bộ Công Thương xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo các nguyên tắc nào? Lý do Bộ Công Thương bổ sung 1 phương án giá điện 1 giá?
Trả lời:
Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt. Các phương án sửa đổi được thực hiện theo các nguyên tắc như sau:
- Đảm bảo giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và áp dụng từ ngày 20/3/2019 do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện.
- Đảm bảo nguyên tắc chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…
- Đảm bảo Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục duy trì như mức hiện nay.
- Tiếp tục duy trì giá điện bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhưng sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân. Xem xét điều chỉnh giá điện của các bậc thang giá bán lẻ điện cho sinh hoạt nhằm khắc phục tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.
- Nghiên cứu xây dựng biểu giá một giá để lấy ý kiến. Nếu phương án này được chấp thuận thì khách hàng có thể lựa chọn áp dụng biểu giá điện bậc thang hoặc biểu giá một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.
*Trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng điện của các khách hàng và các nguyên tắc nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến. Cụ thể các phương án như sau:
Sản lượng tiêu thụ
|
Phương án 1
|
Phương án 2
(Khách hàng có thể chọn theo 1 trong 2 biểu giá: Giá bậc thang 5 bậc hoặc giá điện 1 giá)
|
Phương án 5 bậc thang
|
Phương án 2A 5 bậc thang
|
Phương án 2A 1 giá
|
Phương án 2B 5 bậc thang
|
Phương án 2B 1 giá
|
Từ 0-100 kWh
|
90%
|
90%
|
145%
|
90%
|
155%
|
Từ 101-200 kWh
|
108%
|
108%
|
145%
|
108%
|
155%
|
Từ 201-400 kWh
|
141%
|
141%
|
145%
|
141%
|
155%
|
Từ 401-700 kWh
|
160%
|
160%
|
145%
|
160%
|
155%
|
Từ 701 kWh trở lên
|
168%
|
274%
|
145%
|
185%
|
155%
|
- Phương án 1: Cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang biểu giá điện có 5 bậc thang đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên giá điện bình quân hiện hành cho mục đích sinh hoạt . Trong đó:
+ Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành.
+ Giữ nguyên giá các khách hàng sử dụng điện từ 101-200 kWh.
+ Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới.
+ Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: bậc tư 401 đến 700 kWh và bậc trên 701 kWh
- Phương án 2: Cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang Biểu giá bán lẻ sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ sinh hoạt 1 giá, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.
Khác với phương án 1 giá đã đưa ra lấy ý kiến trước đây bằng giá bình quân sinh hoạt. Phương án 1 giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ ngành đã lấy ý kiến. Lý do: với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2 A và Phương án 2B giống như Phương án 1. Biểu giá điện ở Phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân , Tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.
Khách hàng tùy theo lượng điện tiêu thụ thực tế có quyền lựa chọn áp dụng biểu giá theo 5 bậc thang hoặc 1 giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa 2 phương thức tối thiểu là 12 tháng.
Các khách hàng sử dụng điện trung bình hàng tháng dưới 700 kWh (chiếm trên tỷ lệ trên 98% tổng số khách hàng) trong các Phương án 1, Phương án 2A và 2B có chi phí trả tiền điện bằng nhau do giá 4 bậc thang đầu của phương án 1 và phương án 2A và 2B là giống nhau.
Như vậy nếu phương án 1 được áp dụng thì biểu giá điện cho khách hàng sẽ có 5 bậc giảm 1 bậc so với biểu giá điện hiện hành.
Nếu phương án 2A hoặc 2B áp dụng, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn áp dụng giá điện bậc thang hoặc biểu giá một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của gia đình. Sau 12 tháng, khách hàng có thể tiếp tục áp dụng giá điện đang áp dụng hoặc đổi sang biểu giá khác.
Hỏi:
Bộ Công Thương đánh giá tác động của các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đến khách hàng sử dụng điện như thế nào? Cơ sở lựa chọn các mức giá điện 1 giá ở các Phương án 2A và 2B?
Trả lời:
Trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng của các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đã tổng hợp chi phí tiền điện của các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt như sau:
Bảng 1: Chi phí tiền điện của khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt
Qua số liệu tính toán nêu trên có thể đưa ra một số đánh giá, nhận xét như sau:
- Đối với tất cả các phương án: Đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng). Cụ thể:
+ Khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng;
+ Khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng;
+ Khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng;
+ Khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng;
+ Khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng
Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.
- Phương án 1 và Phương án 2A, 2B đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.
Hình vẽ tổng hợp tiền điện phải chi trả tại các mức sử dụng điện theo các phương án
- Phương án 2A và 2B:
+ Để đảm bảo giữ giá điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, đồng thời giữ giá điện ở 4 bậc đầu của phương án 1 và phương án 2 giống nhau để không tác động tới chi phí tiền điện của đa số khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng nên khi xây dựng các phương án giá điện một giá sẽ chỉ thay đổi giá điện ở bậc 5 và giá điện một giá.
Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (Phương án 2A, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng bằng 274% mức giá điện bình quân.
Nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng 185% mức giá điện bình quân.
+ Nếu Phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hàng tháng.
+ Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (Phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang. Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Các Phương án nêu trên đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hỏi:
Xin Bộ Công Thương cho biết đề xuất về việc hỗ trợ đối với các hộ nghèo hộ chính sách sẽ được thực hiện như thế nào khi thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Điện lực, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg thì hiện nay các hộ nghèo, chính sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện, cụ thể như sau:
- Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kW tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
- Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Đối với các Phương án Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, cơ chế hỗ trợ tiền điện đối với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn giữ nguyên không thay đổi Khoảng 1,8 triệu hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội hiện nay hàng năm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền điện với khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Hỏi:
Dự kiến Bộ sẽ lấy ý kiến như thế nào trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay?
Trả lời:
Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao trong quý III năm 2020, sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chỉnh phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để trình Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 28/5/2020 của Văn phòng Chính phủ).
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, trên cơ sở phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã lấy ý kiến vào tháng 2, tháng 3 năm 2020 và báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề xuất một số phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt và mục đích ngoài sinh hoạt. Trong tháng 8/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố, các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực có liên quan để tham gia ý kiến lựa chọn các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dự kiến áp dụng từ năm 2021.
Hỏi:
Tại sao Bộ Công Thương lại đề xuất phương án gộp các khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp thành khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt để áp cùng một biểu giá? Đánh giá ưu, nhược điểm của phương án này như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện quy định cho nhiều đối tượng khách hàng sử dụng khác nhau, bao gồm sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng này được xác định trên cơ sở cơ cấu sản lượng điện thương phẩm của các nhóm khách hàng.
Trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các loại không rõ ràng. Một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế có ý kiến nên xem xét lại về sự chênh lệch giá kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt khác. Bên cạnh đó có nhiều ý kiến của các khách hàng sử dụng điện, các tổ chức quốc tế đề nghị xem xét đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương bổ sung phương án gộp khách hàng sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt và việc sửa đổi vẫn đảm bảo nguyên tắc giá bán lẻ điện bình quân hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2020 không thay đổi.
Phương án này có ưu điểm:
- Giảm bớt chênh lệch giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt.
- Đơn giản trong thực hiện do cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích ngoài sinh hoạt chỉ có 1 biểu giá.
- Giảm thiểu các sai sót trong việc áp giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện khác nhau.
- Biểu giá điện mới cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh tiệm cận giá bán điện bình quân.
- Chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35% so với việc áp dụng giá hiện hành.
- Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thống nhất của các ngành sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp sẽ tạo cho các khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm:
- Chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng so với việc áp dụng giá hiện hành.
- Khi áp dụng biểu giá cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt, các đơn vị bán lẻ điện phải trang bị công tơ đo đếm theo giờ cao thấp điểm (công tơ 3 giá)
Hỏi:
Lý do Bộ Công Thương bổ sung cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng cấp điện áp 220kV trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Trả lời:
Hiện nay các khách hàng mua điện tại cấp điện áp 220kV và 500kV (đấu nối lưới điện truyền tải) là các nhà máy điện mua điện từ lưới phục vụ cho tự dùng, khởi động,... Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm khách hàng mua điện tại cấp điện áp 220kV trở lên phục vụ mục đích sản xuất. Vì vậy, Bộ Công Thương đã bổ sung biểu giá cho các khách hàng cấp điện áp từ 220kV trở lên.
Hỏi:
Bộ Công Thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét áp dụng giá bán lẻ điện cho các khách hàng cơ sở lưu trú du lịch và doanh nghiệp dịch vụ logistics bằng giá sản xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp?
Trả lời:
* Đối với đối tượng khách hàng cơ sở lưu trú du lịch:
Theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, đối tượng cơ sở lưu trú du lịch hiện đang áp giá kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành du lịch Việt Nam, Bộ Công Thương đã bổ sung đối tượng “cơ sở lưu trú du lịch” theo quy định tại Luật Du lịch 2017 vào nhóm khách hàng áp dụng giá sản xuất.
Theo số liệu thống kê của EVN năm 2018, 2019 thì các cơ sở lưu trú du lịch có sản lượng điện sử dụng ở mức khoảng 3,3 tỷ kWh năm 2018 và khoảng 3,6 tỷ kWh năm 2019, chiếm tỷ lệ khoảng 1,75% sản lượng điện thương phẩm. Khi chuyển đổi đối tượng cơ sở lưu trú du lịch áp giá sản xuất thì phần doanh thu EVN thiếu hụt sẽ được bổ sung qua việc điều chỉnh tăng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất để đảm bảo giữ nguyên giá điện lẻ bình quân.
* Bổ sung các doanh nghiệp dịch vụ logistics:
Hiện nay, giá điện cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương như sau: Khách hàng sử dụng điện cho kho chứa hàng hóa trong quá trình sản xuất áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất; khách hàng sử dụng điện cho kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông áp dụng giá bán lẻ điện cho kinh doanh; khách hàng vừa tự sản xuất hàng hóa và dịch vụ kho được áp dụng giá bán lẻ điện theo tỷ lệ giá bán lẻ điện cho sản xuất và kinh doanh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam, các kho chứa hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản hàng thủy sản đông lạnh, rau quả tươi và hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa. Theo số liệu thống kê của EVN năm 2019, sản lượng điện của các khách hàng mua điện với mục đích cho kho chứa hàng hóa chiếm 0,28% tổng sản lượng điện thương phẩm và khi chuyển toàn bộ giá bán điện đang áp giá kinh doanh sang áp giá sản xuất thì doanh thu giảm 237,5 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã tính toán biểu giá cho khách hàng sản xuất khi toàn bộ các khách hàng logistics đều áp giá sản xuất.
Hỏi:
Có ý kiến cho rằng, nếu đã là một giá điện thì phải gần với giá bán điện bình quân vì thực chất đây đã là mức giá đã gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành Điện. Mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân sẽ “chỉ là cho có”. Quan điểm của Bộ Công Thương về nhận định này ra sao?
Trả lời:
Theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện quy định các khách hàng sử dụng điện cho các mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt. Khi giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo cơ chế quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì biểu giá bán lẻ sẽ được điều chỉnh theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.
Hiện nay biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019. Cơ cấu tiêu thụ điện của các đối tượng khách hàng như sau: sản xuất chiếm 59,1%; kinh doanh chiếm 6,6%; hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%; sinh hoạt chiếm 28%.
Do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện chỉnh giá điện nên các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh đã được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Đối với khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt thì các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đều đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân vẫn giữ nguyên, không đổi.
Trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và đưa ra phương án 1 giá áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện. Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành. Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Từ các phân tích nêu trên, để vẫn đảm bảo mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, chính sách xã hội không thay đổi và đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành thì Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án lấy ý kiến như sau:
- Phương án 1: Áp dụng biểu giá 5 bậc thang.
- Phương án 2: Khách hàng áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc lựa chọn áp dụng biểu giá một giá.
Phương án 2 vẫn duy trì được các ưu điểm của phương án 1 như khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội không thay đổi. Các phương án đưa ra đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.
Đối với tất cả các phương án, các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh (97,36 % tổng số khách hàng) chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng), ngoại trừ các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh thì số tiền điện phải trả tăng thêm là 7.100 đồng.
Nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Các phương án đưa ra lấy ý kiến đều có những ưu và nhược điểm. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hỏi:
Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh đang khó khăn vì dịch COVID-19, việc Bộ Công Thương đưa ra mức giá tính quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân tại 1 số khung giờ, liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp?
Trả lời:
Trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các nhóm không rõ ràng. Một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế có ý kiến nên xem xét lại về sự chênh lệch giá kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt khác và đề nghị xem xét đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện.
Trong thời gian qua có một số khách hàng, một số tổ chức quốc tế đề nghị xem xét đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện cũng như xem xét mức chênh lệch giá bán lẻ điện kinh doanh và các nhóm khách hàng khác, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng ngoài sinh hoạt để lấy ý kiến, gồm:
- Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 03 nhóm riêng: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh như biểu giá điện hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất.
- Phương án 2: Gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.
Nhóm khách hàng kinh doanh hiện đang phải trả tiền điện với mức giá cao, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 6,6% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, trong khi nhóm khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn hơn nhiều (trên 59%). Khi gộp nhóm khách hàng kinh doanh với sản xuất sẽ làm tăng giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Ước tính khi áp dụng phương án 2 nêu trên, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35%, trong khi chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng khoảng xấp xỉ 5% so với giá hiện hành.
Ưu điểm của Phương án này là đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt tương tự như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính sự nghiệp. Phương án đưa ra cũng sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ giảm giá thành. Nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sản xuất.
Các phương án đưa ra lấy ý kiến đều có những ưu và nhược điểm. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Bộ Công Thương
Share