Tại Văn bản số 211/TTg-CN ngày 18/02/2019, dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang đặt tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có quy mô công suất 12 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 6 MW đưa vào vận hành năm 2019 và giai đoạn 2 công suất 6 MW đưa vào vận hành năm 2024. Nhà máy này đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia bằng cấp điện áp 22 kV.
Dự án Nhà máy Điện rác Phú Thọ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có quy mô công suất 18 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 9 MW sẽ đưa vào vận hành năm 2020, giai đoạn 2 công suất 9 MW đưa vào vận hành năm 2026. Nhà máy đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia bằng cấp điện áp 110 kV.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh Hậu Giang và Phú Thọ hướng dẫn, quản lý quá trình chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số nhà máy điện rác đang hoạt động. Trong đó, Nhà máy Phát điện Gò Cát có công suất 2,43 MW, Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ có công suất 6 MW và Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu xử lý rác Nam Sơn có công suất 0,6 MW.
Giá mua điện rác được quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 8/10/2015 về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. Theo đó, giá mua đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 10,05 UScents/kWh. Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 7,28 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.